Vận tải Phương Đông NOS: Tài sản thu hẹp, nợ chồng nợ
Kinh doanh khả quan hơn năm 2021, song Vận tải Phương Đông tiếp tục ghi nhận nợ phải trả tăng lên mức 5.156 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của NOS giảm từ 767 tỷ đồng xuống còn 649 tỷ đồng.
CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (Vận tải Phương Đông - NOS) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam, được thành lập theo quyết định số 1108/QĐ/TCCT-LĐ ngày 3/6/1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với tên gọi là Công ty Vận tải Thủy Bắc.
Công ty đổi tên thành Công ty Vận tải Biển Bắc từ ngày 1/4/2004. Và đến năm 2017 được đổi tên thành CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông.
Từ khi ra đời, Vận tải Phương Đông hoạt động chính là kinh doanh vận tải biển. Hiện nay vốn điều lệ của công ty là hơn 200 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ 49% và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh là cổ đông lớn với tỷ lệ 9,97%.
Việc mua lại tàu cũ với giá cao và kinh doanh kém hiệu quả khiến NOS âm vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng. Các khoản nợ ngân hàng vay mua tàu không hẹn ngày thanh toán.
Theo Báo cáo tài chính quý 4/2022 của Vận tải Phương Đông cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của NOS lũy kế cả năm đạt hơn 371 tỷ đồng, cao hơn năm 2021 125 tỷ đồng (năm 2021 đạt hơn 246 tỷ đồng).
Dù kinh doanh khởi sắc hơn năm 2021, song tổng tài sản của Vận tải Phương Đông lại giảm 118 tỷ đồng (từ 767 tỷ đồng xuống 649 tỷ đồng).
Theo giải trình của NOS, năm 2022 công ty lỗ gần 243 tỷ đồng, nguyên nhân là do chi phí lãi vay phải trả gần 69 tỷ đồng, trích khấu hao đoàn tàu biển gần 140 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá hối đoái gần 84 tỷ đồng.
Việc kinh doanh liên tục thua lỗ trong nhiều năm qua khiến Vận tải Phương Đông âm vốn chủ sở hữu gần 4.507 tỷ đồng.
Sở dĩ Vận tải Phương Đông gánh khoản nợ lớn như vậy do trước đây công ty chi hàng nghìn tỷ đồng để mua những con tàu chở hàng có thể kể đến như: tàu Nosco Victory; tàu Nosco Glory; tàu Hồng Lĩnh; tàu Ngọc Sơn; tàu Eastern Sun; tàu Eastern Star …
Để có tiền mua các con tàu trên, Vận tải Phương Đông đã huy động vốn từ một số ngân hàng và dùng chính những con tàu này làm tài sản thế chấp. Đến nay, một số con tàu đã bị cưỡng chế, bán đấu giá, trong khi các khoản nợ của Vận tải Phương Đông với ngân hàng vẫn còn hiện hữu.
Với việc liên tục kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, kiểm toán đã phải nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vận tải Phương Đông. Theo ý kiến của kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu.
Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam gần như sẽ không “rót” thêm tiền vào “cục nợ” Vận tải Phương Đông.