Vàng SJC giảm "sốc" chưa từng thấy, mất hơn 6 triệu đồng/lượng
Vừa trở lại mốc 80 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng, giá vàng SJC nhanh chóng quay đầu giảm, mức điều chỉnh lớn chưa từng thấy trong nhiều năm qua.
Đến 15h10, giá vàng SJC tại một số cửa hàng tiếp tục được điều chỉnh. Giá niêm yết tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý bắt đầu có khác biệt lớn.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đã giảm xuống còn 71,4-75,3 triệu đồng/lượng, tức giảm đến 7 triệu đồng/lượng so với sáng nay, trong khi giá bán ra giảm gần 5 triệu đồng.
Vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn giữ nguyên mức niêm yết như thời điểm 14h00 là 73-76 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI thì áp dụng mức 71,5-76,5 triệu đồng/lượng.
--------------------------
Đến 14h10, giá vàng SJC tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Tần suất điều chỉnh dày đặc khi doanh nghiệp vàng giảm hàng triệu đồng/lượng chỉ sau vài chục phút đồng hồ.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC hiện nay chỉ còn 73-76 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với lần điều chỉnh gần nhất cách đó khoảng 20 phút đồng hồ.
Bảo Tín Minh Châu còn điều chỉnh giá mua vào sâu hơn, xuống sát 72 triệu đồng/lượng, tức giảm đến 6 triệu đồng/lượng so với sáng nay.
-------------------
Cập nhật đến 13h45, giá vàng SJC giảm sâu đến mức "không tưởng". Hiện giá mua vào SJC tại các cửa hàng Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm tới 4 triệu đồng/lượng so với sáng nay, trong khi đó giá bán ra cũng giảm tới 3 triệu đồng/lượng. Đây là mức điều chỉnh chưa từng thấy trong nhiều năm qua.
Theo đó, giá mua vào Vàng SJC hiện chỉ còn 74 triệu đồng/lượng, giá bán ra còn 77 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán tới 3 triệu đồng/lượng đẩy rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Với những người mua vàng vào đúng đỉnh 80 triệu đồng/lượng ngày 25/12 thì đến thời điểm này đã bị lỗ tới 6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng 24k vẫn đang ổn định, phổ biến 63 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 64 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
-------------------
Mở cửa sáng 28/12/2023, giá vàng SJC đồng loạt tăng khoảng 200 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua và trở lại mốc 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên sau đó, vàng SJC nhanh chóng quay đầu giảm.
Đến 11h00, giá bán ra vàng SJC trên thị trường giảm xuống còn 79,5 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang điều chỉnh giá vàng liên tục, chẳng hạn như tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng có tới 3 lần điểu chỉnh giảm chỉ trong chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.
Cụ thể tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC đã giảm 500 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay, hiện chỉ còn 78,0-79,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm 400 nghìn đồng/lượng so với khi mở cửa, hiện chỉ còn 78,2-79,6 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI giảm khoảng 400 nghìn đồng/lượng xuống 77,7-79,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 24k không có nhiều biến động so với hôm qua. Hiện giá mua vào phổ biến ở mức 63,0-63,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra khoảng 64,0-64,3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.087 USD/ounce, tương đương với khoảng 61,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành. Chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng quốc tế vẫn còn rất lớn, lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Công điện nêu, trong thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định.