VEAM gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025

VEAM gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 chậm nhất đến ngày 30/6/2025 để có thời gian chuẩn bị, hoàn thiện tài liệu họp.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, MCK: VEA, sàn UPCoM) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 chậm nhất đến ngày 30/6/2025 (quy định thông thường là cuối tháng 4/2025).

Doanh nghiệp cho biết lý do gia hạn là nhằm đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị, hoàn thiện tài liệu họp ĐHĐCĐ để đại hội được tổ chức thành công theo đúng điều lệ VEAM và quy định pháp luật liên quan.

Trong một diễn biến khác, mới đây VEAM vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn từ nhiệm của ông Phan Kim Khoa- Thành viên HĐQT độc lập. Trong đơn từ nhiệm, ông Khoa cho biết vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhận chức vụ này.

VEAM gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Được biết, ông Phan Kim Khoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của VEAM từ ngày 24/6/2022.

Trước đó, VEAM cũng đã có văn bản thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 của công ty.

Theo đó, doanh nghiệp dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2025 vào ngày 25/4/2025 tại trụ sở công ty ở lô D, khu D1, Phú Thượng, Tây Hồ, TP.Hà Nội. Nội dung họp dự kiến là thông qua bầu bổ sung thành viên HĐQT. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự là 27/3/2025.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.147,1 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lãi ròng đạt 2.497,4 tỷ đồng, tăng 61,9%

Lũy kế cả năm 2024, VEAM mang về 4.118,8 tỷ đồng doanh thu thuần và 7.421,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8,2% và 18,5% so với năm 2023.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của VEAM đạt 27.561,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, VEAM sở hữu gần 13.129,7 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng, chiếm 47,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn gần 6.704,7 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng tài sản.

Ở bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của VEAM đang ở mức hơn 1.323,5 tỷ đồng, giảm 5,9% so với đầu năm. Nợ của VEAM chủ yếu tập trung ở phải trả người bán ngắn hạn hơn 354,5 tỷ đồng, phải trả người lao động 192 tỷ đồng và 210 tỷ đồng quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Cũng tính đến thời điểm cuối năm 2024, vốn điều lệ của VEAM đang ở mức 13.288 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Công Thương góp vốn hơn 11.755,8 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn 88,47%; các cổ đông khác góp vốn gần 1.532,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 11,53%.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT