Vén màn 'đi đêm' của Chủ tịch Phan Quốc Việt trong thương vụ Việt Á
Với nhiều sự hẫu thuẫn, Việt Á của Phan Quốc Việt được tham gia nghiên cứu, được cấp số đăng ký và sản xuất bán ra thị trường số lượng kit test lớn, hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.
Trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Sau khi tỉnh Hải Dương công bố dịch, ngày 28/1/2021, ông Phan Quốc Việt - cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, gọi điện cho ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương, đề nghị ông Tuyến giúp đỡ Công ty Việt Á được cung cấp test xét nghiệm và các thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho tỉnh Hải Dương phục vụ phòng, chống dịch. Ông Tuyến nói: “Việc này phức tạp, không đủ thẩm quyền giải quyết”.
Ông Việt ngay sau đó đã gọi điện qua ứng dụng Whatsapp nhờ ông Nguyễn Huỳnh, khi đó là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế, nhờ ông Long tác động đến ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Long đã trực tiếp gặp, đề nghị và được ông Thăng đồng ý giúp đỡ ông Việt và Công ty Việt Á.
Cũng theo kết quả điều tra thể hiện, ông Phạm Duy Tuyến đã ký 4 hợp đồng giữa CDC Hải Dương và Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác.
CDC Hải Dương thanh toán hơn 147 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại ngân sách hơn 73 tỷ đồng.
“Trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, ông Tuyến và Việt thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á chi cho ông Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20 đến 25% giá trị hợp đồng sau khi CDC Hải Dương thanh toán tiền cho Công ty Việt Á”, Cơ quan điều tra làm rõ.
Từ những thỏa thuận “ngầm” trên, từ ngày 19/5- 19/11/2021, ông Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới chuyển cho ông Tuyến tổng số tiền 27 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được ông Tuyến đưa cho một số lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Hải Dương và sử dụng cá nhân.
Trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đề nghị truy tố Trịnh Thanh Hùng - cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, về tội Nhận hối lộ.
Do có mối quan hệ thân thiết với Phan Quốc Việt từ trước, nên sau khi Học viện Quân y có văn bản gửi Bộ KH&CN đề xuất thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, ông Hùng đã có hàng loạt những hành vi giúp Việt Á được tham gia nghiên cứu, được cấp số đăng ký và sản xuất bán ra thị trường.
Kết luận điều tra của Bộ Công an còn chỉ ra, quá trình Việt Á sản xuất, tiêu thụ test, ông Hùng còn thỏa thuận ăn chia % doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ kit xét nghiệm với Việt.
Theo đó, Việt đã 2 lần đưa Hùng tổng số tiền 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng) tại nhà riêng của ông Hùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Việc đưa nhận tiền trên, lời khai của ông Hùng và Việt trùng khớp.
Theo kết luận điều tra, trong 2 năm, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu kit test và được thanh toán gần 6 triệu kit test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng).
Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một kit test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.