Vì sao 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPBank của VNPost bị ‘ế’?
Giá cổ phiếu LPB đi xuống, ước tính số tiền nhà đầu tư chi ra để mua lại quyền mua và cổ phiếu ưu đãi của LPBank sẽ cao hơn nhiều so với việc mua cổ phiếu LPB theo đúng thị giá.
Mới đây, Công ty CP chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã thông báo kết quả đăng ký tham gia thỏa thuận trực tiếp quyền mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu.
Theo đó, không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia thỏa thuận trực tiếp để mua 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPBank (MCK: LPB) với giá khởi điểm 1.764 đồng/quyền mua.
Vì sao không nhà đầu tư nào hào hứng với 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPBank?
Nếu nhà đầu tư mua lại 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPBank với giá khởi điểm 1.764 đồng/quyền mua sẽ phải chi ra 247,8 tỷ đồng.
Theo thông báo của VNPost, tỷ lệ quy đổi quyền mua là 100:28,916 (cứ 100.000 quyền mua sẽ được mua 28.916 cổ phiếu mới theo giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Với tỷ lệ này, nhà đầu tư sẽ được mua thêm hơn 40,6 triệu cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền mà nhà đầu tư phải chi ra cho việc mua lại quyền mua và 40,6 triệu cổ phiếu mới khoảng 654 tỷ đồng (tương ứng giá 16.100 đồng/cổ phiếu).
Cần phải biết rằng, giá cổ phiếu LPB từ ngày 14/9 đến nay liên tục đi xuống, từ mức 16.000 đồng/cp xuống còn 13.550 đồng/cổ phiếu (tính theo thị giá sáng 26/9).
Để mua được 40,6 triệu cổ phiếu LPB theo thị giá, nhà đầu tư chỉ cần chi ra khoảng 550 tỷ đồng (tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng so với việc mua lại quyền mua từ VNPost).
Trong khi đó, Báo cáo tài chính Quý II/2023 của LPBank cho thấy kết quả kinh doanh đi xuống của ngân hàng.
Cụ thể, trong kỳ, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 7.971,6 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi và các chi phí tương tự lại tăng mạnh lên 5.521,5 tỷ đồng trong khi quý II/2022 chỉ ở mức 3.019,6 tỷ đồng. Điều này dẫn đến thu nhập lãi thuần trong quý giảm gần 20% từ mức gần 3.045 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2.450 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối lần lượt đạt 249,3 tỷ đồng và gần 19 tỷ đồng, tương đương giảm 18% và 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của LPB ở mức âm gần 4,5 tỷ đồng so với mức lãi 356 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi các chi phí, LPBank báo lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 880 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt 708,2 tỷ đồng trong khi quý II/2022 lên tới 1.434,7 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, LPBank báo thu nhập lãi thuần 5.224,3 tỷ đồng, giảm 12% so với 6 tháng đầu 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 1.951,5 tỷ đồng, giảm 31,8%.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản LPBank đạt gần 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,6% lên 253.392 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên 224.126,5 tỷ đồng.
Nợ xấu LPBank trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh lên 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 80% lên 2.438 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của LPBank từ mức 1,46% hồi đầu năm tăng lên 2,23% vào cuối tháng 6/2023. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm từ 142% xuống 78%.