Vì sao BNP Global hoán đổi trái phiếu sang tài sản khác giá trị khác nhau?

Cùng lô trái phiếu, cùng mệnh giá, song hai lần hoán đổi trái phiếu sang tài sản khác được BNP Global lại có giá trị chênh lệch "môt trời, một vực".

bnp-global-tiep-tuc-hoan-doi-trai-phieu-sang-tai-san-khac-chi-bang-10-menh-gia-antt-1689220950.PNG
BNP Global hoán đổi trái phiếu sang tài sản khác với giá chỉ bằng 1/10 mệnh giá ban đầu. Ảnh minh họa

Ngày 12/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố văn bản số 29/2023-CV-BNP của Công ty CP Bất động sản BNP Global (BNP Global) ngày 7/7 về việc hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác.

Theo đó, BNP Global đã được người sở hữu trái phiếu đồng ý, hoàn tất chuyển đổi 60.462 trái phiếu thuộc lô trái phiếu BNPCH2123002 với giá trị trái phiếu được hoán đổi là hơn 6,046 tỷ đồng (tương ứng 100.000 đồng/trái phiếu).

Nếu so với đợt hoán đổi trước đó, thì giá trị của trái phiếu trong đợt hoán đổi ngày 7/7 vừa qua có giá trị rất thấp. 

Cụ thể, ngày 30/6 trước đó, BNP Global cũng công bố việc chuyển đổi 56.220 trái phiếu thuộc lô trái phiếu BNPCH2123002 sang tài sản khác. Điều đáng nói, 56.220 trái phiếu hoán hoán đổi được định giá 56,22 tỷ đồng (tương đương 1.000.000 đồng/ trái phiếu) cao gấp 10 lần so với mệnh giá phát hành.

Sau đợt hoán đổi thứ 2, BNP vẫn còn dư nợ hơn 2.088 tỷ đồng cho lô trái phiếu BNPCH2123002.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu này được phát hành ngày 4/10/2021, kỳ hạn 2 năm, tuy nhiên nội dung, mục đích phát hành không được công bố. Ngày đáo hạn vào 4/6/2023. Theo thông tin từ BNP Global, doanh nghiệp xin giãn lịch thanh toán gốc, lãi nhưng không được trái chủ đồng ý. 

Được biết, ngoài lô trái phiếu nói trên, BNP Global cũng đang quá hạn thanh toán lô trái phiếu có mã BNPCH2123001, phát hành ngày 7/6/2021 đáo hạn ngày 7/6/2023, trị giá 500 tỷ đồng. Tổng số tiền gốc/lãi chậm chưa thanh toán của lô trái phiếu này tính đến ngày đáo hạn là hơn 512 tỷ đồng.

Theo văn bản số 22A/2023-CV-BNP, phía công ty đã tiến hành đàm phán bán tài sản đảm bảo và giãn, hoãn tiến độ thanh toán nhưng chưa được phía trái chủ đồng ý.

Được biết, lãi suất cho lô trái phiếu ở năm đầu tiên cố định ở mức 10,3%/năm, từ các kỳ lãi tiếp theo bằng tổng của lãi suất tham chiếu cộng 4,7%, nhưng không thấp hơn mức 10,3%/năm.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 500 tỷ này là gần 58,73 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương.

Về BNP Global, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 1/2014, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 

Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, gồm ba cổ đông là bà Bùi Thị Hồng Ngọc, ông Nguyễn Hiếu Liêm và ông Vương Tôn Anh. Đến tháng 8/2022, BNP Global nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính, trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của BNP Global ở mức 979 tỷ đồng; tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Việc dùng đòn bẩy tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ giúp hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,22 lần về còn 2,66 lần; tương ứng nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 của BNP Global ở mức hơn 2.604 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 20,9 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này đã cải thiện hơn nhiều so với mức âm 67,8 tỷ đồng của năm 2021.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT