Vì sao Phúc Sinh lại tích cực làm marketing trà cascara ở thị trường nội địa, trong khi 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu?

Phúc Sinh đang đổ rất nhiều tiền để đầu tư hệ thống sản xuất cũng như làm thị trường cho trà cascara từ vỏ cà phê arabica ở vùng trồng Sơn La. Ngoài giúp bà con người Thái ở đây tăng thu nhập 10.000 đồng/kg, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sơ chế quả cà phê; Phúc Sinh còn muốn tạo cảm hứng để các DN cà phê khác tại Việt Nam cũng mạnh dạng bước vào lĩnh vực này.

Trung tuần tháng 12 này, Phúc Sinh đã ra mắt sản phẩm trà túi lọc Cascara Blue Sơn La tại TP.HCM. Cách đây khoảng chưa đầy 2 tháng, họ cũng đã rầm rộ giới thiệu nhà máy sản xuất trà cascara trị giá 100 tỷ đồng ở Mai Sơn - Sơn La. Theo chia sẻ từ doanh nghiệp này, hơn 90% sản lượng trà cascara của họ phục vụ cho xuất khẩu. Vậy tại sao họ cần phải làm PR – makerting rầm rộ như thế ở thị trường Việt Nam?

Vì sao Phúc Sinh lại tích cực làm thị trường nội địa cho trà cascara, trong khi 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu? - Ảnh 1.

Ông Phan Minh Thông – CEO của Phúc Sinh

Đầu tiên, theo ông Phan Minh Thông – CEO của Phúc Sinh, trà cascara là một loại trà có nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nhưng ít người Việt Nam biết, nên ông muốn giới thiệu nó với thị trường nội địa. Còn lý do mà ít người Việt biết là bởi trên thị trường chưa có sản phẩm này và có giá khá cao.

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao). Trong đó, cà phê Robusta vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn.

Theo đó, đúng là Việt Nam là cường quốc cà phê của thế giới, nhưng chúng ta chỉ mạnh ở Robusta chứ không phải Arabica. Mà theo chia sẻ của ông Vũ Việt Thắng - Tổng giám đốc công ty CP Phúc Sinh Sơn La, thì vỏ cà phê Robusta không phù hợp lắm để làm trà cascara, chỉ có vỏ cà phê Arabica dày chín mọng nhiều chất nhờn và có lượng đường cao, mới phù hợp để sản xuất loại trà này.

Hơn nữa, làm trà cascara để có thể phát huy hết tinh túy riêng của loại cà phê Arabica mà DN đang có cũng không dễ dàng.

"Theo nghiên cứu của của chúng tôi, với hàm lượng chất nhờn và độ ngọt cao, vỏ của cà phê chín mọng Arabica Caltimor Sơn La đủ tiêu chuẩn để tạo ra loại trà cascara chất lượng cao có vị chua nhẹ cộng mùi vị thanh mát của núi rừng Tây Bắc.

Và như chúng tôi đã nói nhiều lần trước đó, trà cascara chỉ mới ở Việt Nam chứ không phải thế giới, nên chúng tôi dễ dàng biết được rất nhiều phương pháp làm ra sản phẩm này. Dù thế, chúng tôi cũng đã mất 4 năm thử nghiệm với rất nhiều phương pháp và sự điều chỉnh khác nhau - làm thủ công hay bằng máy đều có; thì mới cảm thấy hài lòng.

Sau khi ra thành phẩm tốt nhất mà chúng tôi có thể làm ra sau rất nhiều cố gắng, Phúc Sinh mới bắt đầu tìm kiếm công nghệ - dây chuyền sản xuất phù hợp với phương án được chọn cuối cùng", ông Vũ Việt Thắng chia sẻ tiếp.

Vì sao Phúc Sinh lại tích cực làm thị trường nội địa cho trà cascara, trong khi 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu? - Ảnh 2.

Một buổi tập huấn cho bà con nông hộ trồng cà phê ở Sơn La do Phúc Sinh tổ chức.

Vì sao Phúc Sinh lại tích cực làm thị trường nội địa cho trà cascara, trong khi 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu? - Ảnh 3.

Bên trong nhà máy sản xuất trà cascara Blue Sơn La trị giá 100 tỷ của Phúc Sinh.

Doanh nghiệp hiện đã liên kết với 33 nông hộ trồng cà phê tại Sơn La để cung cấp 330 tấn quả cà phê chín. Công nghệ chế biến mà Phúc Sinh đầu tư phải dùng 10kg cà phê tươi mới làm ra được 2kg cà phê nhân và 1kg trà cascara. Sau khi loại bỏ các quả không đạt chất lượng, sản lượng trà cascara hiện tại của Blue Sơn La cũng chỉ đạt khoảng 20 tấn mỗi năm.

Vì nhiều nguyên do khác nhau, các hộ nông dân trồng cà phê Việt Nam thường thích thu cà phê xanh hoặc mới chín tới, nhiều nhất là chín khoảng 80%; mặc dù cà phê chín mọng luôn cho chất lượng cao hơn.

Dù Phúc Sinh là nhà buôn cà phê quốc tế lâu năm, nhưng sản phẩm trà cascara của họ vẫn là mới trên thị trường, cần thời gian để lớn lên; nên chưa cần phải đầu tư công suất lớn. Hơn nữa, việc thuyết phục người nông dân thay đổi tập tục canh tác khá khó khăn và cần có thời gian.

Cũng theo chia sẻ của ông Vũ Việt Thắng, thì các nông hộ đang tham gia dự án này có thu nhập thêm khoảng 10.000 đồng/kg (tính theo khối lượng cà phê nhân khô); nên có lẽ việc thu hút thêm nông hộ bán cà phê chín mọng cho Phúc Sinh sẽ không gặp quá nhiều rào cản lớn trong tương lai.

Theo đó, Phúc Sinh vừa có thêm doanh thu từ mảng mới là trà cascara vừa nâng cao hơn nữa chất lượng cà phê của mình. Với vùng trồng rộng tới 19.000ha ở Sơn La, không gian phát triển ngành này của Phúc Sinh vẫn còn rất lớn.

Vì sao Phúc Sinh lại tích cực làm thị trường nội địa cho trà cascara, trong khi 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu? - Ảnh 4.

Sản phẩm mới - trà cascara Blue Sơn La túi lọc.

Vì tất cả những lẽ nói trên, giá trà cascara luôn đắt, ở cả Việt Nam lẫn thế giới. Theo ông Phan Minh Thông, hiện K COFFEE bán lẻ 1kg cà phê Blue Sơn La khoảng trên 800.000, nhưng giá 1kg trà cascara phải gần 1,4 triệu. Tìm hiểu thử ở Google, chúng ta có thể thấy 1 vài nơi bán lẻ trà cascara ở các nước khác như sau: website vervevcoffee.com bán 90gr giá 15USD, lavaleicoffee.com bán 85gr giá 20USD…

Còn ở thị trường bán sỉ quốc tế, giá 1kg cà phê khoảng 4USD đến 5USD, nhưng 1kg trà cascara khoảng 20USD. Có những lúc bạn hàng của Phúc Sinh sẵn sàng mua 1kg trà cascara với giá 30 USD và tự chịu tiền vận chuyển 6 USD.

Thứ hai, trước đây, vỏ quả cà phê thường được dùng làm vật liệu đốt và phân bón cho cây. Nhưng cách làm này không thực sự tối ưu, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến vùng trồng và môi trường. Giờ đây, với việc phát triển thêm mảng trà cascara, Phúc Sinh sẽ dần giải quyết được triệt để vấn đề này tại Sơn La. Và chắc chắn Phúc Sinh sẽ được các tổ chức đánh giá châu Âu cộng thêm nhiều điểm ở phần ESG.

Cuối cùng, Phúc Sinh còn muốn mình có thể trở thành niềm cảm hứng để các DN cà phê khác ở Việt Nam quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào mảng này. Không khó hiểu khi Phúc Sinh muốn thúc đẩy ngành sản xuất trà cascara ở Việt Nam, bởi họ là nhà xuất khẩu lớn. Nếu Việt Nam có nhiều sản phẩm trà cascara ngon, Phúc Sinh sẽ xuất khẩu sản lượng lớn hơn và có thêm một lợi thế cạnh khi ra toàn cầu để buôn bán.

Hiện ở Việt Nam, các DN cà phê đủ mọi quy mô cũng đang manh nha thử nghiệm làm trà cascara và mức giá niêm yết bán lẻ cũng khá đa dạng.

Vì sao Phúc Sinh lại tích cực làm thị trường nội địa cho trà cascara, trong khi 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu? - Ảnh 5.

Các sản phẩm của HTX cà phê Bích Thao

Tại Sơn La, ngoài Phúc Sinh còn có 5 DN lớn được cấp quyền sử dụng chỉ địa lý "Cà phê Sơn La" là Minh Tiến, Cát Quế, Minh Châu, Bích Thao và AraTay. Tại Sơn La, doanh nghiệp có sản xuất trà cascara cũng không nhiều, có thể kể them Bích Thao và Maison de Sonla.

Ở Tây Nguyên, The Married Beans Coffee bán trà cascara Cầu Đất – Lâm Đồng giá 175.000 cho 40gram, Là Việt bán giá 152.000 - 80gram cho trà cascara túi lọc ở vùng trồng Xuân Trường – Đà Lạt, Laka Tea bán giá 95.000 cho 60gram, Laha Coffee bán giá 300.000 cho 1kg trà organic cascara; thương hiệu cà phê đặc sản Sơn Pacamara bán giá 110.000 cho 100gram…

Đặc biệt, thương hiệu Eatu Café của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Tu (Đắk Lắk) làm trà cascara từ hạt cà phê robusta, bán giá 89.000 cho 100gram.

Quỳnh Như

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT