Vì sao trong suốt lịch sử 100 năm, nhân viên Samsung chưa từng biểu tình?
Lịch sử gần 100 năm của Samsung phủ đầy những bí mật.
Theo tờ The Guardian, vụ việc 28.000 lao động Samsung Electronics đình công mới đây bắt nguồn từ văn hóa chống công đoàn của Samsung mà nguyên do chính đến từ quan điểm của Cố nhà sáng lập Lee Byung Chul.
Cụ thể Liên minh Điện tử Samsung Toàn quốc (NSEU) với 28.000 thành viên, chiếm 1/5 tổng số lao động của tập đoàn sẽ đình công vào ngày 7/6/2024 tới đây.
Tuy nhiên trên thực tế, khoảng 2.000 lao động của Samsung đã tiến hành biểu tình nhỏ lẻ bên ngoài văn phòng công ty tại Seoul trước đó vào ngày 24/5/2024.
Đây là những động thái nhằm phản đối kế hoạch tăng lương 5,1% của Samsung khi NSEU đòi hỏi tập đoàn phải cung cấp thêm số ngày nghỉ phép cũng như có một hệ thống đánh giá hiệu suất minh bạch hơn cho lương thưởng.
Chủ tịch Soon Woo Mok của NSEU cho biết Samsung đã liên tục than vãn về tình hình khó khăn, đang gặp khủng hoảng của mình suốt 10 năm qua và không nên dùng điều này để làm cái cớ trì hoãn quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Hiện NSEU đang là công đoàn lớn nhất trong số 5 công đoàn của tập đoàn Samsung và hiện chưa rõ những tổ chức khác có tham gia cuộc đình công này hay không.
Tuy nhiên theo Reuters, mầm mống của cuộc khủng hoảng hiện nay có lẽ bắt đầu từ quan điểm chống công đoàn của Cố nhà sáng lập Lee Byung Chul cách đây gần 100 năm trước khi thành lập Samsung.
"Cho đến ngày tôi mất"
Theo The Guardian, Cố nhà sáng lập Lee Byung Chul của Samsung đã từng có câu nói nổi tiếng sẽ cấm đoán công đoàn cho đến ngày "mắt tôi phủ cát" (ám chỉ lúc qua đời khi phủ cát để chôn). Chúng được viết trong cuốn sách "Korea's Place in the Sun" của nhà sử học Bruce Cumings, xuất bản năm 1997.
Việc ông Lee Byung Chul không thích công đoàn đã có từ khi thành lập Samsung vào năm 1938 và sau đó là Samsung Electronics vào năm 1969. Tuy nhiên câu nói trên chỉ thực sự lan truyền rộng rãi từ sau sự cố năm 1977.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1977 tại Nhà máy CheilJedang Mipoong, nơi được ông Lee Byung Chul thành lập để cạnh tranh với đối thủ Miwon. Lao động tại nhà máy này chỉ nhận được mức lương bình quân 20.176 Won/tháng, thấp hơn mức chi phí sinh hoạt tối thiểu khi đó là 45.053 Won.
Bởi vậy 13 lao động nữ của nhà máy đã quyết định đứng lên thành lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho công nhân.
Trước tình hình này, ông Lee Byung Chul được cho là đã chỉ đạo Samsung bằng mọi cách cản trở việc thành lập công đoàn.
Chính trong khoảng thời gian này, câu nói nổi tiếng sẽ không cho phép công đoàn thành lập kể cả khi đã mất của ông Lee Byung Chul được lan truyền rộng rãi.
Thậm chí vào năm 1987 khi ông Lee Byung Chul qua đời, công nhân nhà máy Samsung Heavy Industries Changwon 2 đã nộp đơn xin thành lập công đoàn nhưng cũng không thành công vì giấy chứng nhận đã được nộp trước đó bởi một nhân viên thân cận của tập đoàn.
Đây là một trong những cách thường được Samsung áp dụng khi theo luật thời đó, chỉ có 1 công đoàn duy nhất được xây dựng tại doanh nghiệp và việc ban lãnh đạo đăng ký giấy chứng nhận thành công sẽ ngăn cản những lao động khác xây dựng công đoàn của mình.
Mọi chuyện chỉ có chuyển biến vào ngày 1/7/2011, tức 24 năm sau ngày mất của nhà sáng lập Lee Byung Chul, khi chính phủ Hàn Quốc cho phép doanh nghiệp xây dựng nhiều công đoàn cùng lúc trong 1 công ty.
Chỉ 13 ngày sau đó, 4 công nhân của Samsung Everland đã thành lập công đoàn đầu tiên. Tuy nhiên người kế vị ông Lee Byung Chul vẫn kế thừa tinh thần chống công đoàn của tập đoàn khi chỉ sau đó 2 ngày, công ty đã tuyên bố kỷ luật Cho Jang Hee, một lãnh đạo của công đoàn mới.
Tất nhiên lý do kỷ luật không phải là thành lập công đoàn mà là do "tiết lộ thông tin bí mật của công ty và làm hoen ố danh tiếng của tập đoàn". Ông Cho đã bị sa thải dù những cáo buộc trên sau đó đã bị chứng minh là sai sự thật.
Công đoàn ma
Trên thực tế ngay cả trước khi công đoàn của Samsung Everland được thành lập thì tập đoàn này đã có 9 công đoàn con trên giấy tờ. Tuy nhiên người lao động gọi chúng là những "Công đoàn ma’ vì chúng được thành lập bởi ban giám đốc Samsung nhằm tận dụng quy định chỉ được phép có 1 công đoàn mỗi doanh nghiệp, qua đó ngăn chặn người lao động thành lập tổ chức của riêng mình.
Hãng tin Reuters cho hay kể từ sau năm 2011, khi hàng loạt công đoàn của người lao động Samsung được thành lập thì hãng tiếp tục dùng nhiều biện pháp để cản trở xu thế này.
Lần đầu tiên kế hoạch cản trở công đoàn của Samsung bị đưa ra ánh sáng là vào năm 2013 khi chính trị gia Sim Sang Jung của Đảng Công lý tiết lộ hồ sơ chiến lược quản lý lao động của hãng, trong đó bao gồm cách Samsung lên kế hoạch giải tán công đoàn trong năm 2012.
Tháng 10/2013, các thành viên công đoàn đã đệ đơn khiếu nại lên Văn phòng Công tố quận Trung tâm Seoul chống lại khoảng 10 giám đốc điều hành và nhân viên cấp cao của Samsung, bao gồm cả Chủ tịch Lee Kun-hee và Choi Ji-sung, người đứng đầu Văn phòng Chiến lược Tương lai của Tập đoàn Samsung, với cáo buộc phá hoại công đoàn, thực hành lao động bất công.
Tuy nhiên vụ việc đã bị bãi bỏ không truy tố vào tháng 3/2016 mà không hề có cuộc điều tra cơ bản nào với những người khiếu nại.
Đến năm 2018, các công tố viên bất ngờ phát hiện trong 6.000 tập hồ sơ liên quan đến vụ việc Samsung hối lộ Cựu Tổng thống Lee Myung Bak có chứa thông tin việc tập đoàn này áp dụng các chiến lược làm mệt mỏi bất kỳ nhân viên nào dám tham gia công đoàn, buộc họ phải rút lui khỏi tổ chức hoặc nghỉ việc.
Ngoài ra, Samsung cũng chi trả hàng chục triệu Won phí dịch vụ cho các luật sư mỗi tháng để đưa ra lời khuyên giải tán công đoàn mỗi khi được người lao động nhờ tư vấn.
Cho đến tận năm 2018, hãng tin Reuters cho biết chỉ có 300 trên tổng số hơn 200.000 lao động tại Samsung là tham gia công đoàn, kém hơn nhiều so với tỷ lệ 74% nhân viên tham gia công đoàn tại Huyndai Motor.
Năm 2019, Chủ tịch Lee Sang Hoon và Phó chủ tịch Kang Kyung Hoon của Samsung Electronics đã bị buộc tội 18 tháng tù vì hành vi cản trở người lao động thành lập công đoàn hợp pháp. Công tố viên cáo buộc 2 nhà lãnh đạo này đã chỉ đạo cắt giảm lương những công nhân nào tham gia công đoàn, điều tra đời tư cá nhân để đe dọa họ.
Năm 2020, người điều hành Samsung khi đó là Lee Jae Yong, cháu trai của nhà sáng lập Lee Byung Chul, đã phải công khai xin lỗi về những hành vi cản trở thành lập công đoàn của tập đoàn này. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, đây vẫn chỉ là lời xin lỗi suông khi vẫn phớt lờ thương lượng với các công đoàn lớn như NSEU, qua đó dẫn đến vụ việc như hiện nay.
"Nhiều người trong số công nhân chúng tôi chỉ kiếm được chưa đến 1.200 USD/tháng và chẳng đủ trang trải chi phí cuộc sống", anh Ra Doo Shik (tên nhân vật đã được thay đổi), lãnh đạo một công đoàn đại diện cho 1.000 lao động của Samsung Electronics Service nói với Reuters.
*Nguồn: Reuters, The Guardian