VIB dự chi hơn 1.500 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2023
Theo phương án trình cổ đông, VIB dự kiến tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%/vốn, tương ứng hơn 1.522 tỷ đồng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa có thông báo lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt.
Ngày 12/12, VIB sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về nội dung tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền.
Theo phương án trình cổ đông, VIB dự kiến tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%/vốn, tương ứng số tiền tạm ứng cổ tức hơn 1.522 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 3/3, nhà băng này đã chi gần 2.108 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 5%. Đến ngày 5/5, VIB tiếp tục trả cổ tức tiền mặt năm 2022 đợt 2 với tỷ lệ 10%. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2022 mà VIB thực hiện lên tới 15%.
Trong một diễn biến khác, ngày 22/11, ngân hàng VIB đã phát hành thành công 1.210 trái phiếu mã VIBL2330004 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng số tiền huy động là 1.210 tỷ đồng.
Đây là lô trái phiếu thứ 4 được ngân hàng này huy động thành công trong năm 2023.
Trước đó, vào cuối tháng 9, VIB cũng đã huy động thành công lô trái phiếu đầu tiên của năm 2023 với giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm, lãi suất 5,7%/năm.
Tiếp theo, chỉ trong hai ngày 16 và 17/10, VIB đã huy động được 4.500 tỷ đồng qua hai đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 5,8 đến 6%/năm.
Như vậy, qua 4 đợt phát hành trái phiếu, ngân hàng này đã huy động được 7.710 tỷ đồng từ trái phiếu.
Lô trái phiếu được phát hành trong nước, có kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào 22/11/2030 với lãi suất phát hành 8%/năm. Đây là lô trái phiếu thứ 4 được ngân hàng này huy động thành công trong năm 2023.
Về tình hình kinh doanh tại VIB, theo BCTC hợp nhất quý III/2023, trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần ở mức 13.027 tỷ đồng; tổng thu nhập hoạt động là 16.318 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ở mức 8.324,7 tỷ đồng, tăng 7%.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản VIB đạt 384.419 tỷ đồng, tăng 12,1% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo tình trạng nợ của khách hàng ở mức 2,47%, trong khi con số này tại thời điểm cuối năm 2022 chỉ là 1,79%.