VIB triệu tập ĐHĐCĐ bất thường trong tháng 6
VIB dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 6 nhằm xem xét và thông qua một loạt các đề xuất của HĐQT, Ban Kiểm soát để nhằm đáp ứng các nội dung thay đổi trong Luật Các TCTD 2024.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, MCK: VIB) mới đây công bố thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ vào sáng ngày 11/6 tại phòng họp Ballroom, khách sạn Sheraton Saigon Grand Opera, quận 1, TP.HCM.
Nội dung đại hội nhằm xem xét và thông qua một loạt các đề xuất của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát. Phần lớn các đề xuất trên nhằm đáp ứng các nội dung thay đổi trong Luật Các TCTD 2024.
Những đề xuất được đưa ra thảo luận bao gồm: Điều lệ VIB; Quy chế nội bộ về quản trị công ty VIB; Quy chế tổ chức và hoạt động của VIB; Sửa đổi mục 1.4 Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên số 1.001.24.GSM; ủy quyền cho HĐQT trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cấp đổi, bổ sung nội dung hoạt động; ủy quyền cho HĐQT phê duyệt, ban hành quy chế tài chính; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát VIB.
Trước đó, VIB đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 2/4 vừa qua. Đại hội đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tổng tỷ lệ là 29,5% vốn điều lệ, gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng. Trong đó, tổng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng này đã chia cổ tức tiền mặt thành 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 1/2024, VIB đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, khi đó ngân hàng này cũng đã chi tương ứng 1.522 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Đợt 2 vào ngày 17/5 vừa qua, VIB đã chi gần 1.649 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 6,5%.
Về tình hình kinh doanh tại VIB, quý I/2024, VIB báo lãi trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của VIB tăng nhẹ lên 413.888 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 0,5% so với cuối năm trước, đạt 267.709 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1%.
Được biết, năm 2024, VIB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023; tăng trưởng tổng tài sản ở mức 20%, đạt 492.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng 21%, đạt 315.200 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng 20%, đạt 320.600 tỷ đồng; và tỷ lệ nợ xấu phấn đấu kiểm soát dưới 3%.