Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc

Các nhà sản xuất tôn mạ trong nước sẽ hưởng lợi khi hàng nhập khẩu cùng loại từ Trung Quốc và Hàn Quốc chịu mức thuế chống bán phá giá tạm thời 15,67-37,13%.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc- Ảnh 1.

Chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu thép mạ bị điều tra đã xấp xỉ 382 nghìn tấn (tăng 20% so với cùng kỳ.

Ngăn chặn thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước

Ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 914 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quố).

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc.

Quyết định áp thuế lần này được Bộ Công Thương đưa ra sau quá trình điều tra vụ việc theo yêu cầu của 5 công ty gồm Tập đoàn Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á và China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Theo số liệu hải quan, tính đến hết tháng 3 năm 2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong 12 tháng đã đạt 454 nghìn tấn, tăng 91% so với cùng kỳ đến tháng 3 năm 2023.

Kể cả sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng vụ việc này, lượng nhập khẩu thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn gia tăng đáng kể, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra đã xấp xỉ 382 nghìn tấn (tăng 20% so với cùng kỳ).

Do vậy, Bộ Công Thương đã xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện điều tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu để đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc này.

Ai là người hưởng lợi?

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc- Ảnh 2.

Tôn Hoa Sen hiện chiếm thị phần tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu lớn nhất.

Giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất trong nước sẽ là người hưởng lợi lớn nhất khi các sản phẩm tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá. Nguyên nhân bởi các tay to trong nước đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy nhằm nâng quy mô, công suất sản xuất tôn mạ trong nước.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2024, chiếm thị phần tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu lớn nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (29,2%), Thép Nam Kim (16,5%), Công ty cổ phần Tôn Đông Á (16%), Tập đoàn Hoà Phát (8,2%)

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa được chấp thuận đầu tư mở rộng nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định nhằm tăng công suất thêm 350.000 tấn/năm từ mức 430.000 tấn/năm hiện nay. Tổng vốn đầu tư cho phần mở rộng này là 2.333 tỷ đồng, triển khai từ quý 1/2025 đến quý 2/2027. Đây cũng là nhà máy tôn mạ lớn nhất miền Trung hiện nay.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2024, Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua việc tăng vốn Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ. Với nhà máy công suất 85.000 tấn/năm, Hoa Sen Phú Mỹ là đơn vị đảm nhận vai trò sản xuất, cung ứng dòng sản phẩm tôn kẽm nhúng nóng (tôn mạ kẽm) của Tập đoàn Hoa Sen.

Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Sen cũng thông qua việc tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Hoa Sen Hà Nam từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng sau khi quyết định thành lập Tổng kho Hà Nam tại Cụm công nghiệp Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) nhằm phục vụ 15 tỉnh thành phía Bắc, từ Hà Nội đến các tỉnh biên giới như Lạng Sơn.

Loạt động thái trên được kỳ vọng sẽ giúp Tập đoàn Hoa Sen gia tăng công suất, thị phần trong chu kỳ phát triển mới của ngành thép.

Tương tự, các nhà sản xuất thép mạ khác như Nam Kim và Tôn Đông Á cũng hưởng lợi khi áp lực cạnh tranh nội địa giảm bớt, giá bán được hỗ trợ.

Thép Nam Kim đang dự kiến góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Nhà máy có quy mô bao gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm; 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm; và dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.

Tôn Đông Á mới đây cũng đã thông qua việc đầu tư thêm vốn vào Công ty TNHH MTV Đông Á – Phú Mỹ. Công ty này dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép (thép tráng phủ kẽm dạng cuộn, thép tráng phủ hợp kim nhôm kẽm dạng cuộn, thép phủ màu dạng cuộn) với vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng vào quý 2 năm nay, tổng công suất 1.200.000 tấn/năm.

Phan Trang. 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT