Việt Nam lọt Top 20 thị trường có quy mô người tiêu dùng lớn nhất thế giới, các ‘ông hoàng’ ngành hàng xa xỉ nô nức đổ bộ và mở rộng

Việt Nam dự báo lọt Top 20 thị trường có quy mô người tiêu dùng lớn nhất thế giới đến năm 2030, báo cáo mới nhất từ Savills ghi nhận.

Tại Châu Á – Thái Bình Dương, Savills nhận thấy thị trường đã đi qua vùng đáy và đang cho thấy sức phục hồi tích cực nhờ sự quay trở lại của du lịch quốc tế và xu hướng lạm phát giảm. Theo báo cáo, hầu hết các trung tâm thương mại tại châu Á sẽ ghi nhận mức tăng giá thuê từ 0-5% trong năm 2024. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại cho thấy diễn biến khác biệt.

Với Việt Nam, thị trường Hà Nội trong quý 1/2024 ghi nhận giá thuê mặt bằng bán lẻ đã có sự cải thiện. Giá thuê gộp tầng trệt tăng 2% theo quý và 13% theo năm, chủ yếu do giá thuê của cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm tăng, đạt 1,2 triệu đồng/m2/tháng. Tại khu trung tâm, giá thuê hiện là 3,3 triệu đồng/m2/tháng.

Về triển vọng, toàn thị trường châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục mang tới cơ hội trong ngắn và dài hạn. Quy mô thị trường người tiêu dùng tại khu vực, đặc biệt đối tượng chi tiêu ở mức ít nhất 12 USD/ngày, sẽ tăng từ 1,9 tỷ người trong 2024 lên 2,5 tỷ người vào năm 2030.

Hơn nữa, cũng theo dự báo đến năm 2030, 9 trong số 20 thị trường có quy mô người tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ nằm tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Sự tăng trưởng này thể hiện mức độ ngày càng quan trọng của người tiêu dùng trong việc định hình thị trường bán lẻ toàn cầu, đồng thời thể hiện cơ hội đáng kể đối với các doanh nghiệp đang có kế hoạch nhìn xa hơn những thách thức thị trường trong ngắn hạn.

Việt Nam lọt Top 20 thị trường có quy mô người tiêu dùng lớn nhất thế giới, các ‘ông hoàng’ ngành hàng xa xỉ nô nức đổ bộ và mở rộng - Ảnh 1.

Ảnh: Báo cáo của Savills.

Điều này lý giải cho làn sóng "đổ bộ" Việt Nam của loạt thương hiệu bán lẻ ngoại: từ thời trang, trang sức, đồ chơi… đến F&B.

Làn sóng này thực tế đã bắt đầu từ năm 2023, đơn cử Mont Blanc và Balmain Paris mở cửa hàng đầu tiên tại Tràng Tiền Plaza, Devialet cũng đặt cửa hàng đầu tiên trên phố Tràng Tiền. Ngoài ra, một loạt thương hiệu lớn khác như Victoria’s Secret, Foot Locker, Maison Margiela Paris, Coach, Marimekko, Karl Lagerfeld, Come Home… cũng lần đầu xuất hiện tại Lotte Mall West Lake Hanoi.

Ở quy mô hệ thống, Matsumoto KIYoshi đầu tư cửa hàng đầu tiên ở Vincom Mega Mall Times City; Mắt Việt Eye Care mở cửa hàng flagship đầu tiên ở AEON Mall Hà Đông; Winmart cũng đã khai trương mô hình cao cấp Winmart Premium đầu tiên ở đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân…

Sang năm 2024, bộ ba "ông hoàng" ngành xa xỉ Cartier, Rene Caovilla và The Hour Glass Opera đồng loạt mở rộng ngay đầu năm tiếp tục "châm ngòi" cho làn sóng trên. Nhiều nhà bán lẻ ngoại thuộc phân khúc phổ thông cũng có kế hoạch mở rộng như Muji, H&M, Uniqlo, Poseidon. Mới cuối tháng trước, Uniqlo công bố mở thêm 3 cửa hàng tại Thành phố Thủ Đức.

Các nhãn hàng đồ chơi đắt tiền cũng lần đầu có mặt tại Việt Nam. Tháng 4, Motherswork (Singapore) – thương hiệu chuyên về các sản phẩm cao cấp dành cho mẹ, bé và trẻ em – đã mở cửa hàng đầu tiên ở một trung tâm thương mại thuộc phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Tp.HCM. Bà Sharon Wong, Nhà sáng lập kiêm CEO Motherswork cho biết đây là thị trường thứ 3 sau quê nhà (2 cửa hàng) và Trung Quốc (8 cửa hàng). Họ phân phối độc quyền cho 20 thương hiệu, từ đồ dùng, máy làm thức ăn, máy tiệt trùng, thiết bị giám sát trẻ em đến chăn ga gối đệm và nội thất.

Mới nhất, thương hiệu đồ chơi nghệ thuật "làm mưa làm gió" Đông Nam Á cũng đã khai trương cửa hàng vật lý đầu tiên tại Cresent Mall (quận 7, Tp.HCM) nhằm phục vụ tốt hơn đối tượng bạn trẻ Việt. Sự kiện nhanh chóng thu hút khi khoảng 1.000 người xếp hàng để chờ săn các phiên bản giới hạn, thậm chí mỗi người chỉ có 15 phút vào mua các bộ sản phẩm. Thống kê, cửa hàng tiêu thụ được đến 4.000 sản phẩm chỉ trong ngày đầu.

Pop Mart nổi tiếng về các sản phẩm thuộc thể loại hộp mù (Blind Box) – bao gồm các phụ kiện mang tính ứng dụng đời sống hoặc đồ trang trí có chủ đề nhất định mà người mua không biết nội dung bên trong cho đến khi mở hộp. Mỗi sản phẩm có giá bán từ vài triệu đồng lên đến hàng chục triệu đồng. Ông Jeremy Lee, Giám đốc phát triển thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương mô tả Việt Nam là nơi "đầy sức sống" và "tiềm năng".

Chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh, thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ ngày càng sôi động hơn, khi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế mở rộng hoạt động, kéo theo nguồn cầu thị trường lớn.

Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp. Các đơn vị bán lẻ trong nước và nước ngoài cũng đang có xu hướng chuyển vào các trung tâm thương mại được phát triển bài bản hơn là thuê nhà phố nhỏ lẻ.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT