Việt Nam sở hữu loại cây lấy hoa quý hiếm trên thế giới, thu về hơn 300 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm
Xuất khẩu mặt hàng này đã tăng mạnh hơn 102% trong tháng 3.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 3/2025, Việt Nam xuất khẩu được 1.469 tấn hoa hồi với kim ngạch đạt 5,1 triệu USD, tăng mạnh 102,9% so với tháng trước đó. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 1.111 tấn, tăng gần 5% so với tháng 2/2025.
Lũy kế trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu được 3.495 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,2 triệu USD, tăng mạnh 57,3% về lượng và tăng 2,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi lớn nhất với 872 tấn.
Theo Hiệp hội gia vị thế giới, hồi là cây gia vị quý hiếm, hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc, mỗi năm chỉ thu hoạch được 2 vụ. Ở Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… đem lại giá trị kinh tế cao.
Hoa hồi chữa được nhiều bệnh như cảm, đau nhức, phòng ngừa chứng nhiễm trùng, ngoài ra còn được sử dụng như một gia vị nấu ăn làm tăng hương vị của các món ăn, đặc biệt là món phở. Với nhiều công dụng hữu ích, hoa hồi được tất cả người tiêu dùng trên toàn thế thới ưa chuộng nên ngoài việc tiêu thụ trong nước thì hoa hồi còn được xuất khẩu đi rất nhiều quốc gia.
Đặc biệt, sản phẩm hoa hồi từ “thủ phủ” Lạng Sơn đã có mặt tại nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức... Ngoài xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác nước ngoài, sản phẩm hồi Lạng Sơn còn được quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ trên các sản thương mại quốc tế như Alibaba, Amazon. Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc được coi là hai thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, chiếm thị phần bình quân lần lượt 50% và 25%.
Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% thị phần ở mặt hàng quế hồi. Về tiềm năng của thị trường Ấn Độ, quốc gia này có quy mô dân số tỷ dân với dân số trẻ chiếm hơn 60%, là một thị trường hấp dẫn và tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa. Dự kiến, mức chi tiêu của người dân Ấn Độ sẽ tăng từ 1.500 tỷ USD hiện nay lên gần 6.000 tỷ USD vào năm 2030, mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt trong các lĩnh vực nông sản và gia vị.
Nước ta hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị với vị trí đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu,...
Như Quỳnh