Việt Nam trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN trong lĩnh vực được dự đoán sẽ tạo ra doanh thu trên 90 tỷ USD vào năm 2030
Đây là nhận định của ông Ahmed Albayrak, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Lowey trong một bài phân tích gần đây được đăng trên East Asia Forum - Trang tin của Úc chuyên đăng tải các bài phân tích của các chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế, chính sách...
Với nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2020-2050, quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải toàn cầu.
Theo nghiên cứu của ADB, ở Đông Nam Á, sự chuyển dịch sang năng lượng sạch có tiềm năng đóng góp vào doanh thu 90-100 tỷ USD vào năm 2030, và dự kiến sẽ tạo ra 6 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vào năm 2050.
Song, ông Ahmed Albayrak đánh giá, tiến độ chuyển đổi của khu vực này vẫn đang còn chậm so với kế hoạch đặt ra.. Cụ thể, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, công suất năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 63,1 Gigawatt (GW) vào năm 2028. Tuy vậy, con số này tương đối nhỏ với mức công suất năng lượng gió và mặt trời mục tiêu vào năm 2030 (229 GW) để khu vực này duy trì kế hoạch đạt phát thải ròng bằng không.
Do vậy, ASEAN cần có những can thiệp chính sách mạnh mẽ hơn. Theo ông Ahmed Albayrak, các thành viên ASEAN có thể tìm đến Việt Nam để xin ý tưởng về việc phát triển năng lượng mặt trời và gió.
Năm 2023, Việt Nam chiếm gần 2/3 tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió tại ASEAN. Trong khi đó, dù đứng ở vị trí thứ hai, lượng điện mặt trời và điện gió Thái Lan sản xuất ra chỉ bằng 1/4 so với Việt Nam.
"Sự vươn lên của Việt Nam để dẫn đầu về điện mặt trời và điện gió mang đến bài học cho các thành viên ASEAN khác", vị chuyên gia nhận định.
Sự bùng nổ về năng lượng tái tạo bắt đầu vào năm 2017, bộ biểu giá ưu đãi đầu tiên (FIT) được đưa ra cho các dự án điện mặt trời và điện gió hoạt động trước tháng 6/2019. FIT sau đó đã dần được giảm xuống, với thời hạn cuối cùng được ấn định vào tháng 11/2021. Trên lý thuyết, FIT được ấn định trong 20 năm. Bên cạnh đó, Việt Nam còn cung cấp các ưu đãi khác bao gồm miễn thuế thu nhập, thuế đối với thiết bị nhập khẩu và thanh toán tiền thuê đất.
Chưa kể, sự dịch chuyển sang sản xuất năng lượng tái tạo còn bắt nguồn từ những nguyên do như rủi ro về an ninh năng lượng từ các dự án than hiện có gây ra khi nhu cầu điện tăng nhanh.
Kết quả, tỷ trọng điện mặt trời và điện gió trong cơ cấu điện của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có trong khu vực. Từ mức tỷ trọng không đáng kể trong tổng sản lượng điện, đến năm 2023, điện mặt trời và điện gió chiếm 13% cơ cấu điện của Việt Nam
Theo ông Ahmed Albayrak, các nước thành viên ASEAN có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm của Việt Nam. Thứ nhất là các ưu đãi về giá. Theo đó, FIT phải được xây dựng ở mức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Các ví dụ trước đây về các chương trình FIT trong khu vực không đưa ra mức phí bảo hiểm hợp lý so với chi phí và không thúc đẩy được năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu cho thấy, chính sách FIT hiệu quả nhất cho việc triển khai điện mặt trời và điện gió là khi chính sách này có thể trang trải được chi phí dự án và tạo ra lợi nhuận. Việc áp dụng FIT cao hơn ở Thái Lan và Philippines gần đây là một hướng đi đúng.
Thứ hai là yêu cầu cho các địa phương. Vị chuyên gia đánh giá, không giống như Malaysia và Indonesia, Việt Nam không đặt ra bất kỳ yêu cầu chi tiết nào cho từng địa phương đối với tấm pin mặt trời, điều này tỏ ra hiệu quả về mặt chi phí. Một nghiên cứu gần đây ở Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cho thấy yêu cầu chi tiết cho địa phương đối với các dự án năng lượng tái tạo không thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước mà còn làm tăng chi phí dự án.
Quan trọng nhất, theo ông Ahmed Albayrak là sự chắc chắn về chính sách. Chẳng hạn, theo vị chuyên gia, sự không chắc chắn về tỷ lệ sử dụng điện là một rủi ro bất lợi lớn và có thể khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên khó khăn.
"Tỷ lệ sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng kinh tế và sức hấp dẫn về mặt tài chính của các dự án năng lượng tái tạo. Nếu tỷ lệ cắt giảm cao là không thể tránh khỏi, chúng cần được báo hiệu để quản lý tải tốt hơn và làm giảm sự biến động trong nguồn cung.
Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về những gì xảy ra với các dự án không đáp ứng được thời hạn FIT là một hạn chế khác. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro không trang trải được chi phí của mình. Về lâu dài, việc không có cơ chế để giải quyết các cú sốc có thể ngăn cản các khoản đầu tư trong tương lai.
"Để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn, các yếu tố có thể làm chậm trễ các dự án cần phải được tính đến, chẳng hạn như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Ahmed Albayrak nhận định.
Ngoài ra, các vấn đề về thị trường điện kém hiệu quả liên quan đến cơ sở hạ tầng điện và việc mua bán điện. Chẳng hạn, Kế hoạch phát triển điện quốc gia lần thứ tám của Việt Nam đang giải quyết một số vấn đề này bằng cách điều chỉnh giá bán lẻ ba tháng một lần và cải thiện tính linh hoạt của lưới điện. Sau khi vượt quá mục tiêu điện mặt trời và điện gió, Việt Nam cũng đã chuyển từ FIT sang đàm phán giá với các dự án năng lượng tái tạo riêng lẻ.
"Các thành viên ASEAN khác nên xem xét giá linh hoạt và quy hoạch lưới điện sau khi bắt đầu áp dụng điện mặt trời và điện gió", ông Ahmed Albayrak viết.
Ngoài ra, điều bắt buộc là phải thiết lập một chính sách để mọi người cùng tham gia. Giống như Việt Nam, các thành viên ASEAN khác có thể sử dụng các mối quan tâm cấp bách như an ninh năng lượng và ô nhiễm để thúc đẩy chính sách trong nước.