Vietcombank bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT

Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành được bầu bổ sung vào HĐQT Vietcombank thay thế ông Nguyễn Mỹ Hào nghỉ hưu theo chế độ.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB) ngày 7/3 tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2025 để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).

Theo tờ trình gửi đến ĐHĐCĐ, Vietcombank đề xuất miễn nhiệm ông Nguyễn Mỹ Hào khỏi vị trí thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm. Ông Hào chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/11/2024 theo quy định của pháp luật.

Người được bầu thay thế ông Hào là ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành. Theo tài liệu được công bố, ông Lê Quang Vinh, sinh năm 1976, là thạc sĩ tài chính tại Đại học New South Wales (Australia) và Cử nhân Tài chính ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - ngân hàng.

Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như trưởng phòng quản lý rủi ro tín dụng, Giám đốc công ty cho thuê tài chính, Phó Giám đốc rồi đến chức danh giám đốc các mảng chiến lược của ngân hàng. Từ năm 2017, ông giữ chức Phó Tổng Giám đốc Vietcombank. Tới tháng 7/2024, ông phụ trách vị trí Ban điều hành Vietcombank.

Vietcombank bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT- Ảnh 1.

Ông Lê Quang Vinh (trái) và ông Nguyễn Mỹ Hào (phải) nhận hoa từ ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank (đứng giữa). Ảnh: Vietcombank

Sau ĐHĐCĐ bất thường, Vietcombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào ngày 26/4 tại Trường đào tạo Vietcombank, khu đô thị Ecopark, tỉnh Hưng Yên.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên ngân hàng là ngày 26/3.

Vietcombank dự kiến trình đại hội thông qua báo cáo kết quả của HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) năm 2024 và định hướng năm 2025; thông qua BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, phương án phân phối lợi nhuận năm 2024.

Ngoài ra, thông qua tờ trình về mức thu lao HĐQT, BKS năm 2025; tờ trình về việc miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028; tờ trình về phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm của Vietcombank và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội.

Trong diễn biến khác, Vietcombank vừa thông báo ngày 13/3 là hạn chót để cổ đông đăng ký nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đợt chia cổ tức lần này được thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế đến hết năm 2018 và năm 2021, với tổng số lượng phát hành lên tới hơn 2,76 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 49,5%. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng, vượt xa đợt chia cổ tức kỷ lục 35% vào năm 2016.

Ngoài đợt chia cổ tức sắp tới, Vietcombank cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với lợi nhuận còn lại sau trích lập quỹ đạt hơn 22.770 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này dự kiến sẽ được dùng để tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng.

Tương tự, phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 cũng đã được phê duyệt từ đầu năm nay, với kế hoạch sử dụng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện Vietcombank đang xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ và trình Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến trước khi báo cáo lên Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.

Hoàng Lam

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT