Vietcombank sắp tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường

Ngày 19/8 tới đây, Vietcombank sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường để thảo luận 1 số vấn đề trong đó có nội dung quan trọng là thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ (phương án tăng vốn điều lệ 2024).

vietcombank-sap-to-chuc-hop-dhdcd-bat-thuong-antt-1719821658.jpg
Vietcombank sắp tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường. Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 19/7, cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 19/8 tại Tòa nhà Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nội dung dự kiến được thảo luận là thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ (phương án tăng vốn điều lệ 2024), bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028 cũng như sửa đổi một số nội dung trong điều lệ, quy chế và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.

Trước đó, phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT, phụ trách hoạt động của HĐQT Vietcombank cho biết, ngân hàng đang tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 cũng như kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.

Thông tin chi tiết hơn về kế hoạch phát hành riêng lẻ, ông Hùng nói rằng việc triển khai tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Ngân hàng sẽ chờ đợt tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2022 (chưa được ĐHĐCĐ thông qua) trước khi phát hành riêng lẻ.

Năm 2024, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023.

Kết thúc quý I/2024, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.718 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, VCB đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của VCB tính đến cuối quý I/2024 là 15.459 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Tất cả nhóm nợ xấu đều tăng; trong đó, nợ nhóm 3 tăng từ 1.737 tỷ đồng lên 2.557 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 47%; nợ nhóm 4 tăng lên 3.484 tỷ đồng, tương đương tăng 21%;  nợ nhóm 5 tăng 20%, lên mức 9.417 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT