Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vietinbank rao bán khoản nợ hơn trăm tỷ đồng của một công ty xây dựng lần thứ 13

Admin

Mới đây, Vietinbank lại tiếp tục rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Âu Cơ sau 12 lần rao bán không thành công.

images-1678802675.jfif
VietinBank rao bán khoản nợ của Công ty Tân Âu Cơ nhiều lần vẫn không thành công. Ảnh minh họa

Ngày 13/3, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, MCK: CTG) chi nhánh 10 TP.HCM đã thông báo bán khoản nợ để thu hồi nợ của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Xuất Nhập khẩu Tân Âu Cơ. Đáng chú ý, đây là lần thứ 13 Vietinbank đưa các khoản nợ này ra bán.

Khoản nợ của XNK Tân Âu Cơ tại VietinBank có tổng dư nợ tạm tính đến 7/3/2023 là hơn 125,5 tỷ đồng; trong đó dư nợ gốc hơn 29,6 tỷ đồng, dư nợ lãi cộng dồn gần 63,3 tỷ đồng và lãi phạt cộng dồn 95,9 tỷ đồng. Như vậy, khoản nợ đã có dư lãi cộng dồn và lãi phạt gấp hơn 3 lần dư nợ gốc.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này gồm 3 bất động sản là: Quyền sở hữu nhà ở tại số 436B/6 (số cũ 20/E5) đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, TP.HCM - địa chỉ trùng với địa chỉ đăng ký trụ sở chính của Công ty Xuất Nhập khẩu Tân Âu Cơ; Nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 20B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM; Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 3, địa chỉ 343/5D Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10, TP.HCM.

Trong lần rao bán thứ 13, VietinBank đã đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là 22,5 tỷ đồng, ít hơn 7 tỷ đồng so với dư nợ gốc của khoản nợ. Trước đó, VietinBank từng rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm gần 50,5 tỷ đồng vào tháng 8/2022.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Âu Cơ thành lập tháng 1/1999, địa chỉ tại TP.HCM; hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do bà Nguyễn Thị Hồng Tươi làm người đại diện pháp luật và là giám đốc.

Theo báo cáo của FiinGroup, 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Nhiều khoản nợ có tài sản bảo đảm là bất động sản được các ngân hàng rao bán nhiều lần, hạ giá rất sâu nhưng vẫn chưa thành công.

Hồng Ngọc