Vietnam Airlines dự kiến tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 6, nêu lộ trình khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát
Vietnam Airlines dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 21/6 tới. Đáng nói, hãng hàng không quốc gia vừa đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp thua lỗ.
Tổng Công ty hàng không quốc gia Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN, sàn HoSE) vừa công bố Nghị quyết về thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Theo đó ngày cuối cùng để đăng ký tham dự đại hội là ngày 23/5, ngày tổ chức đại hội dự kiến là ngày 21/6. Hãng bay chưa công bố các tài liệu cụ thể chuẩn bị cho đại hội.
Mới đây, hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng có văn bản giải trình biện pháp khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát. Vietnam Airlines cho biết hãng đã Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2024-2025, đã báo cáo cổ đông và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đề án, Tổng công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường thích nghi, cải thiện hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 5.631 tỷ đồng giảm 50% tương đương so với khoản lỗ năm 2022, chủ yếu do giảm lỗ sau thuế của công ty mẹ và Pacific Airlines.
Mặt khác, HVN hưởng lợi khi các công ty con như: VAECO (Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay), VACS (Công ty TNHH MTV Suất ăn Việt Nam), NCS (CTCP Suất ăn Nội Bài)....đều tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, Vietnam Airlines đã có 4 năm thua lỗ liên tiếp. Trước đó, hãng bay lỗ ròng 11.223 tỷ đồng năm 2022, lỗ 13.279 tỷ đồng năm 2021 và lỗ 11.178 tỷ đồng năm 2020.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines là 57.716 tỷ đồng, giảm 2.920 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó hãng nắm giữ khoảng 2.551 tỷ đồng tiền, tương đương tiền.
Tổng nợ vay của Vietnam Airlines tính đến cuối năm 2023 là 74.742 tỷ đồng, chủ yếu là 61.171 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Lỗ luỹ kế lên tới 41.057 tỷ đồng khiến HVN âm vốn chủ sở hữu ở mức trên 17.025 tỷ đồng.
Chưa hết, báo cáo tài chính của HVN còn bị kiểm toán nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất, khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 46.287 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn của Tổng Công ty và các công ty con là 13.743 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 17.026 tỷ đồng. Trong năm kết thúc cùng ngày, HVN còn lỗ ròng với số tiền là 5.632 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoạt động liên tục của HVN phụ thuộc vào khả năng hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau COVID-19 và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Các yếu tố dẫn tới việc kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Thứ hai, Vietnam Airlines áp dụng phương pháp tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng máy bay và động cơ cho các năm 2020, 2021 và 2022 theo hướng dẫn kế toán riêng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ 1/1/2023, phần chênh lệch luỹ kể giữa chi phí khấu hao và phân bỏ theo phương pháp đường thẳng và phương pháp được phê duyệt riêng nêu trên được Vietnam Airlines tiếp tục phân bổ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.