Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu, đặt mục tiêu thoát lỗ từ năm 2024

Hà Thị Lưu Luyến

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết việc lỗ 3 năm liên tiếp là do yếu tố khách quan, hy vọng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn. Bên cạnh đó, hãng bay đã lên đề án tái cơ cấu và đặt mục tiêu thoát lỗ từ năm 2024.

Sau 4 lần trì hoãn, sáng 16/12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN, sàn HoSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Ông Đặng Ngọc Hòa- Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết, năm 2022, các hàng không thế giới vẫn lỗ hơn 6,9 tỷ USD, dù mức lỗ đã giảm nhưng khó khăn vẫn còn. Khó khăn với hàng không vẫn tiếp diễn trong năm nay, do ảnh hưởng của xung đột trên thế giới, tỷ giá, giá nhiên liệu tăng cao, trong khi nhu cầu đi lại giảm vì suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo tài chính, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 71.775 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021.

Năm qua, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất sau thuế trên 11.200 tỷ đồng (số lỗ này giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước đó). Công ty mẹ lỗ sau thuế hơn 8.800 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lỗ lũy kế của hãng này tới hết năm vừa qua đã trên 35.000 tỷ đồng; khoản phải trả quá hạn trên 15.300 tỷ đồng.

vietnam-airlines-se-tai-co-cau-dat-muc-tieu-thoat-lo-tu-nam-2024-1702719331.jpg
Vietnam Airlines tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.

Trong năm qua, một số loại chi phí của Vietnam Airlines tăng cao, như chi phí tài chính tăng gấp 2,7 lần so với năm trước đó, lên mức hơn 4.400 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá; chi phí bán hàng tăng gấp 2,6 lần lên hơn 3.100 tỷ đồng…

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, giảm lỗ, Vietnam Airlines tiếp tục cắt giảm nhiều chi phí, tổng cắt giảm hơn 7.200 tỷ đồng, như đàm phán giảm giá với nhà cung ứng, tiết kiệm chi…

Năm nay, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng từng bước vượt qua khó khăn, đảm bảo thanh khoản và hoạt động liên tục. Hãng cũng triển khai tiếp giải pháp tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, mở thị trường mới; bán tài sản và thoái vốn; bán và thuê lại một số máy bay… Hãng dự kiến lỗ hợp nhất trước thuế năm nay hơn 5.500 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đặt mục tiêu cân đối thu - chi vào năm 2024 (hòa vốn), bắt đầu có lãi từ năm 2025.

Được biết, Vietnam Airlines đã xây dựng và đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025.

Lãnh đạo hãng hàng không xác định Đề án tái cơ cấu tổng thể trong đó có tái cơ cấu về tài sản, danh mục đầu tư, nguồn vốn, đưa ra các giải pháp để có thêm thu nhập, nguồn vốn nhằm cải thiện dòng tiền để từng bước xóa dần lỗ lũy kế.

Liên quan đến nguy cơ cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết trên HoSE, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines - cho biết, việc hãng lỗ 3 năm liên tiếp là do yếu tố khách quan - ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tất cả các hãng hàng không thế giới đều bị ảnh hưởng.

Lỗ hay không phải do công tác điều hành hay hoạt động nội tại của doanh nghiệp. Giai đoạn trước dịch, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp được đánh giá cao về chỉ số minh bạch tài chính, có tài sản lớn, khả năng sinh lời cao.

“Tôi tin các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố khách quan trên một cách cẩn trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN tiếp tục được duy trì giao dịch trên sàn HoSE”, ông Hiền nói và cho biết với tín hiệu thị trường, các bước tái cơ cấu đang thực hiện, trong thời gian ngắn tới hãng sẽ có lãi, tiến tới hết âm vốn chủ sở hữu để đảm bảo quy định về niêm yết cổ phiếu theo quy định pháp luật.

Hà Ly (t/h)