Vietnam Airlines vẫn đối mặt thách thức thiếu máy bay trầm trọng
“Thách thức của nhiều hãng bay ở thời điểm hiện tại là việc thiếu hụt máy bay trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, mở rộng mạng bay”, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) - chia sẻ tại ĐHĐCĐ mới đây.
Nguyên nhân thiếu máy bay là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321, 320 NEO.
Trên thế giới hiện có trên 1.500 máy bay bị ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi, trong đó 340 chiếc phải dừng hoạt động. Đối với Vietnam Airlines, hãng có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ, dự kiến cuối năm sẽ dừng thêm 6 chiếc.
Vị này cũng thông tin, năm nay Pratt & Whitney sẽ thu hồi hơn 3.000 động cơ trên các máy bay, việc sửa chữa và bảo dưỡng động cơ sẽ kéo dài đến 200 ngày. Do đó, tình trạng thiếu máy bay của các hãng hàng không sẽ kéo dài hết năm 2024 và giảm dần vào năm 2025.
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp (doanh nghiệp hoạt động trong cả ngành hàng không và du lịch) tại hội thảo trung tuần tháng 5 vừa qua, thị trường Việt Nam đang mất khoảng 45-50 tàu bay, tính cả 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways. Toàn thị trường có khoảng 270 tàu. Mặc dù lượng tải thị trường xuống, nhưng nhu cầu lại tăng nhanh do đông đảo người dân sau dịch muốn "đi chữa lành". Mọi người cũng mong muốn di chuyển nhanh hơn, ít chạm hơn, an toàn hơn, nên nhu cầu đi đường hàng không tăng.
2 giải pháp của Vietnam Airlines
Đối mặt với điều này, phía Vietnam Airlines đề ra 2 giải pháp:
Thứ nhất, Vietnam Airlines đã làm việc với Pratt & Whitney về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng và cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ bị ảnh hưởng. Đồng thời, hãng bay giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các chặng bay chính.
Theo tiết lộ của lãnh đạo hãng hàng không quốc gia Việt Nam, số giờ bay của đội bay của hãng được tăng từ 15-20%, giúp phần nào bù đắp được việc thiếu máy bay.
Ngoài việc tăng giờ bay, Vietnam Airlines còn lùi lịch bán tàu bay để đáp ứng nhu cầu bay. Trước đó, hãng có kế hoạch việc bán 6 tàu A321CEO để đổi mới đội tàu bay nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thứ hai, Vietnam Airlines đang xem xét tới dòng máy bay thân hẹp bao gồm Boeing, Airbus, Embraer, C919...
Hiện, tình trạng thiếu hụt máy bay này đang diễn ra trên toàn thế giới và có thể kéo dài đến tận năm 2027 mới kết thúc. Việc đặt mua máy bay của Airbus hay Boeing cũng là rất khó và sẽ chỉ được giao sớn nhất vào năm 2030. Tổng giám đốc của Vietnam Airlines nhấn mạnh việc đi thuê thêm máy bay trong thời gian tới là khó với đội tàu bay A321.
Dòng tiền năm 2024 dự kiến còn rất khó khăn
Về kinh doanh, Vietnam Airlines đang trải qua khó khăn chưa từng có. Lỗ năm thứ 4 liên tiếp đẩy khoản lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines tính đến cuối năm 2023 lên đến 41.000 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ. Điều này khiến hãng hàng không rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn đang bị mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 46.287 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines còn cho biết tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7/2024 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.
Sang năm 2024, hãng hàng không này dự kiến đạt gần 106.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được trong lịch sử.
Vietnam Airlines cũng dự kiến sẽ lãi sau thuế hơn 4.233 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ sẽ ở mức 105 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến tổng chi phí đầu tư trong năm 284 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài sản 71 tỷ đồng và dự phòng đầu tư 283 tỷ đồng.
Tại Đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines – chia sẻ Công ty kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch Covid-19. Ông Hòa cho biết Công ty đã có nhiều giải pháp để thực hiện điều này, trong đó có cả hỗ trợ từ Nhà Nước nhưng các giải pháp nội lực vẫn là quan trọng nhất.
Công ty đã lên phương án để tăng vốn và trình để các Bộ, ban, ngành để phê duyệt đề án. Việc tăng vốn có thể thực hiện theo hai hình thức. Một là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hai là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Việc tăng vốn có thể giúp công ty có thể bổ sung dòng tiền hoạt động, đảm bảo vốn dài hạn trong thời gian tới và tiết kiệm chi phí khi không phải đi vay thêm.