Viettel Global và FPT kéo nhóm công nghệ, viễn thông tăng tốc ngoạn mục, chứng khoán Việt Nam không còn là sân chơi riêng của cổ phiếu ngân hàng, bất động sản
Sự vươn lên mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ, viễn thông đang góp phần làm cân bằng hơn giữa các nhóm ngành trong cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ, viễn thông. Đặc biệt là cú tăng tốc ngoạn mục của bộ đôi Viettel Global và FPT trong danh sách những cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán.
Thời điểm cuối năm 2023, Viettel Global và FPT đều không nằm trong 10 công ty vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. FPT xếp thứ 11 trong khi Viettel Global đứng thứ 18. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi chóng mặt sau 5 tháng khi FPT leo lên xếp thứ 7 trong khi Viettel Global thậm chí còn nhảy vọt lên vị trí thứ 3, chỉ sau Vietcombank và BIDV.
Từ đầu năm 2024, cổ phiếu FPT đã đi lên bền bỉ với mức tăng 41% qua đó đẩy vốn hóa lên trên 172.300 tỷ đồng (7 tỷ USD), cao hơn 2 tỷ USD so với thời điểm đầu năm. Cùng khoảng thời gian này, cổ phiếu VGI tăng đến 237% giúp Viettel Global có thêm 7,7 tỷ USD vốn hóa và nâng giá trị công ty lên gần 11 tỷ USD.
Ngoài Viettel Global và FPT, lĩnh vực viễn thông, công nghệ còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của một số cái tên khác như FPT Telecom, Viettel Construction, CMC Corp,… Bên cạnh đó, các đại diện tiêu biểu của các nhóm ngành bán lẻ (Thế Giới Di Động, FPT Retail), Hàng tiêu dùng (Masan Consumer, Masan),… cũng đều tạo ra những điểm nhấn nhất định.
Sự thay đổi trên đang góp phần làm cân bằng hơn giữa các nhóm ngành trong cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù nhóm ngân hàng vẫn áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng trong top đầu nhưng không thể phủ nhận các cổ phiếu ngành công nghệ, viễn thông, bán lẻ, hàng tiêu dùng,… đang ngày càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
FPT đi lên cùng "trend" AI, bán dẫn
Nhìn vào triển vọng ngành, công nghệ đang được giới phân tích đánh giá có nhiều câu chuyện hỗ trợ tích cực. KBSV dẫn dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5.100 tỷ USD nhờ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%.
KBSV cũng cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
Về dài hạn, KBSV cho rằng chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới. Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm phân tích của KBSV dự báo các công ty công nghệ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số.
Với riêng FPT, báo cáo phân tích mới đây của VNDirect cho rằng, từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện, giá cổ phiếu này đã tăng vọt, với mức P/E hiện tại là 25,5x, cao nhất mọi thời đại. Thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây.
VNDirect đánh giá P/E của SOX vượt trội so với thị trường cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư và niềm tin vào câu chuyện bán dẫn. P/E của NVIDIA cũng đã tăng đáng kể trong năm 2023 do niềm tin của thị trường vào triển vọng tương lai của hãng, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư chiến lược vào các ứng dụng hỗ trợ AI vượt xa chíp bán dẫn.
"Mặc dù đóng góp trực tiếp của bán dẫn hiện tại vào kết quả tài chính của FPT có thể không đáng kể, nhưng thị trường có thể sẵn sàng trả FPT một mức giá cao hơn và chờ đợi một câu chuyện xa hơn", báo cáo của VNDirect nhận định. Các câu chuyện liên quan đến chip bán dẫn đều khiến nhà đầu tư đánh giá công ty cao hơn.
Viettel Global cùng mục tiêu xoá lỗ luỹ kế
Trong khi đó, đà tăng của cổ phiếu VGI được hỗ trợ bởi chuyển biến tích cực trong kết quả kinh doanh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, Viettel Global ghi nhận doanh thu al đạt 7.907 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Con số ấn tượng của một công ty viễn thông trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp lĩnh vực này trên thế giới đã dần chững lại.
Trong quý 1/2024, cả 9 thị trường tăng trưởng cao, trong đó có 5 thị trường tăng trưởng 2 con số như Lumitel tại Burundi (29%), Unitel tại Lào (24%), Movitel tại Mozambique (22%), Natcom tại Haiti (18%), Metfone tại Campuchia (13%). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Viettel Global đạt 1.633 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất kể từ quý 3/2022.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Viettel Global dự trình cổ đông thông qua kế hoạch 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ và lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất 5.477 tỷ đồng. Con số này cao hơn 41% so với thực hiện năm ngoái và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động của tổng công ty.
Tính tới thời điểm 31/12/2023, Viettel Global lỗ luỹ kế hơn 3.377 tỷ đồng, chủ yếu do những khoản thua lỗ nặng giai đoạn trước 2018. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm 2024, doanh nghiệp này có thể sẽ thoát khỏi tình trạng lỗ luỹ kế kéo nhiều năm qua. Đây sẽ là tiền đề để Viettel Global có lần đầu tiên chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm đầu tư ra nước ngoài.