Viettel tham vọng vào top 10 ngành bán dẫn thế giới, lý giải vì sao không sản xuất chip đa nhiệm như NVIDIA
Viettel phải chủ động trong việc phát triển các chip riêng biệt để đáp ứng nhu cầu của các thiết bị công nghệ.
Dù phải thừa nhận ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu, còn cách thế giới rất xa, nhưng Viettel đang nỗ lực xây dựng các nền tảng công nghệ lõi và sản phẩm để dần dần bắt kịp với trình độ công nghệ quốc tế. Tham vọng bán dẫn của Tập đoàn này rất 'khủng': vào Top 10 thế giới. Ở giai đoạn hiện tại, sản phẩm chip của Viettel không cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đa dụng của các hãng lớn mà họ đi theo cách riêng.
Trên trang truyền thông của Viettel, ông Nguyễn Cương Hoàng - Trưởng Ban Công nghệ bán dẫn cho biết, khát vọng về bán dẫn của Viettel không chỉ là sản xuất các sản phẩm điện tử phục vụ cho nhu cầu trong nước, mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn là làm chủ công nghệ lõi và các thiết bị điện tử phục vụ cho quốc phòng và an ninh.
Để đạt được mục tiêu này, Viettel đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nghiên cứu và phát triển chip xử lý tín hiệu vô tuyến trạm 5G và chip an ninh quốc phòng. Việc tiếp cận linh kiện hiệu năng cao và hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam là những rào cản lớn. Nhưng chính những khó khăn này đã thúc đẩy Viettel phải chủ động trong việc phát triển các chip riêng biệt để đáp ứng nhu cầu của các thiết bị công nghệ.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Ban Công nghệ bán dẫn nói: "Viettel tập trung vào việc phát triển các sản phẩm chip chuyên dụng, phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình, thay vì cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đa dụng của các hãng lớn". Lấy ví dụ dòng siêu chip H100 của NVIDIA, ông Kiên chia biết Viettel không sản xuất dòng chip đa nhiệm như thế.
Theo đó, Viettel hướng tới việc xử lý dữ liệu tại "biên" (edge computing), tức là xử lý dữ liệu ngay tại thiết bị hoặc gần nguồn phát sinh dữ liệu thay vì tập trung về trung tâm. Điều này giúp tăng tốc độ xử lý và giảm lượng dữ liệu cần truyền về. Điều này giúp sản phẩm của Viettel có giá thành hợp lý, dễ tiếp cận và phù hợp thực tế tại Việt Nam.

Chip bán dẫn của Viettel
Thực tế, các hoạt động của Viettel luôn đi kèm "bài toán" quốc phòng và an ninh. Tập đoàn này hướng tới việc làm chủ công nghệ lõi và thiết bị điện tử cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh, với tính bảo mật và khả năng hoạt động ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam sẽ phải bao gồm việc hợp tác với các công ty trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (cho toàn ngành) và phát triển các nền tảng công nghệ lõi. Viettel đã có những bước đi đầu tiên để thực hiện hóa điều đó, bằng những sự hợp tác với các đối tác lớn như NVIDIA. Từ năm 2017 khi bắt đầu bước vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, có những thời điểm, Viettel cũng đối diện với tình trạng chảy máu chất xám.
Linh Linh