Viglacera lần đầu tiên báo lỗ

Doanh thu giảm cùng với các chi phí duy trì ở mức cao khiến Viglacera lỗ ròng 48 tỷ đồng trong quý IV/2023. Đây là lần đầu tiên "ông lớn" ngành thiết bị xây dựng báo lỗ kể từ khi công bố thông tin.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần 3.020 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 21% về còn 565 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 75% về còn gần 6 tỷ đồng, công ty cũng ghi nhận lỗ 16,2 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.

Cùng với việc các loại chi phí duy trì ở mức cao (chi phí quản lý tăng 44%), Viglacera lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi thuần 233 tỷ đồng).

Sau khấu trừ thuế, VGC lỗ ròng 48 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 222 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ khi công ty công bố thông tin.

Theo giải trình, lợi nhuận của Viglacera giảm mạnh do nhóm kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm. Bên cạnh đó, công ty thực hiện trích 100 tỷ đồng Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Lũy kế cả năm 2023, Viglacera báo doanh thu thuần đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Hầu hết các mảng doanh thu đều suy giảm trong năm qua: mảng bất động sản (giảm 90%, đạt 100 tỷ đồng), mảng kính gương (giảm 31%, đạt 2.004 tỷ đồng), mảng sứ, sen vòi và phụ kiện (giảm 15%, đạt 925 tỷ đồng), mảng gạch ngói (giảm 25%, đạt 1.270 tỷ đồng). Duy chỉ mảng gạch ốp lát chỉ giảm 3%, đạt 3.459 tỷ đồng.

viglacera-lan-dau-tien-bao-lo-2-1706863478.PNG
Nguồn: VGC

Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 1.602 tỷ đồng và 1.162 tỷ đồng, giảm 30% và 39%. Năm 2023, VGC đặt mục tiêu doanh thu 13.468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.216 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 98% mục tiêu doanh thu và vượt 32% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Viglacera ở mức 24.099 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. VGC có lượng tiền khá lớn với 2.467 tỷ đồng; trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.841 tỷ đồng, giảm 9%; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 626 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Hàng tồn kho tăng 12% lên 4.739 tỷ đồng, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thành phẩm kính, sứ, sen vòi,... với 2.603 tỷ đồng. Tồn kho bất động sản xây dựng dở dang là 1.537 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 6.229 tỷ đồng, tăng 8%. Các dự án có chi phí lớn nhất là Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (1.665 tỷ đồng), Khu công nghiệp Yên Mỹ (967 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (760 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (847 tỷ đồng)…

Năm qua, Viglacera giảm 37% giá trị vốn góp vào các công ty liên doanh liên kết chỉ còn tổng số 430 tỷ đồng. Trong đó, giảm mạnh giá trị đầu tư vào Viglacera Đông Triều, Viglacera Hạ Long II...

viglacera-lan-dau-tien-bao-lo-1706863478.PNG
Nguồn: VGC

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả đạt 14.575 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay tài chính đạt 5.134 tỷ đồng, tăng 42% với nợ ngắn hạn là hơn 2.897 tỷ đồng. Doanh thu chưa thực hiện đạt 2.670 tỷ đồng, giảm 3%.

Đầu tháng 1 vừa qua, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng Công ty Viglacera – CTCP.

Theo đó, Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng, tương đương 20% số tiền thuế thiếu đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022.

Cơ quan thuế cũng yêu cầu Viglacera phải nộp bổ sung gần 7,2 tỷ đồng, là số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu trong các năm này vào ngân sách. Ngoài ra, Viglacera phải nộp thêm tiền chậm nộp thuế gần 2,5 tỷ đồng.

Như vậy, tổng tiền truy thu, xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp mà Viglacera phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 11 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng quyết định giảm số tiền thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau kỳ tính thuế tháng 12/2022 số tiền là hơn 877 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT