Viglacera tìm tư vấn định giá thoái vốn nhà nước, cổ phiếu VGC tăng kịch trần
Viglacera đang tìm kiếm dịch vụ tư vấn định giá và tư vấn phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước. Hiện, Bộ Xây dựng sở hữu 38,6% vốn tại doanh nghiệp này.
Tổng Công ty Viglacera - CTCP (MCK: VGC, sàn HoSE) vừa có thư mời báo giá cung cấp dịch vụ tư vấn định giá và tư vấn phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước. Theo thông báo, VGC đang trong giai đoạn xây dựng và xem xét các đề xuất phương án chào bán cũng như tiêu chí nhà đầu tư.
Công ty sắp tới cũng sẽ tổ chức các buổi giới thiệu liên quan đến đợt chào bán này. Thời gian thẩm định giá dự kiến vào ngày 30/6/2023.
Viglacera có vốn điều lệ 4.483 tỷ đồng. Hiện, Bộ Xây dựng sở hữu 38,6% vốn của Viglacera, tương đương 173 triệu cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất của VGC là Gelex (GEX), sở hữu 50,21%.
Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và khu công nghiệp này có tổng tài sản tính tới cuối năm 2022 là gần 14.136 tỷ đồng. Nợ phải trả là hơn 7.300 tỷ đồng.
Động thái này của VCG nằm trong chủ trương chung của Nhà nước sẽ thoái vốn tại một số doanh nghiệp. Trước đó, VGC đã thoái vốn Nhà nước giai đoạn 1 vào năm 2019.
Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ Xây dựng lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Viglacera dự kiến thu về hơn 5.800 tỷ đồng.
Kế hoạch thoái vốn cũng được VGC đề cập trong tài liệu họp ĐHĐCĐ sắp tới đây. Bên cạnh đó, Công ty còn lên kế hoạch thực hiện lộ trình tái cơ cấu vốn tại các đơn vị, như tăng vốn tại Công ty ViMariel, tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG), góp vốn đầu tư thành lập CTCP Viglacera Thái Nguyên và vận hành khu đô thị, đô thị dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin trên diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VGC có đà tăng ấn tượng. Chốt phiên 29/5, cổ phiếu VGC đã bật tăng kịch trần 6,9% lên 40.200 đồng - mức cao nhất kể từ đầu năm. Hồi tháng 9/2022, cổ phiếu VGC từng lên đến mức gần 70.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2023, VGC đặt kế hoạch doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, giảm đến 44% so với năm qua. Dù vậy, Công ty dự kiến giữ mức chia cổ tức như năm 2022 là 20% (2.000 đồng/cổ phiếu).
Kết thúc quý I/2023, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.775 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn 666 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp thu hẹp về 24%.
Với kết quả trên, quý đầu năm VGC đã đã hoàn thành được 17,3% kế hoạch doanh thu và 11,7% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản Công ty ở mức 23.317 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, công ty đang ghi nhận 14.092 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 60% (8.502 tỷ đồng). Tổng nợ vay tài chính ở mức 4.042 tỷ đồng.