Vimedimex Group nợ BHXH cho người lao động

Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex và 3 tổ chức liên quan khác bị nhắc tên trong danh sách chậm đóng bảo hiểm cho người lao động từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP. Hà Nội (Số liệu tính đến hết 30/4/2024).

vimedimex-group-no-bhxh-cho-nguoi-lao-dong-antt-1715858622.jpg
Vimedimex Group nợ BHXH cho người lao động. Ảnh minh hoạ.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội mới công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP. Hà Nội tháng 4/2024 (Số liệu tính đến hết 30/4/2024 theo C12-TS lấy ngày 05/5/2024).

Trong danh sách này có tên CTCP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex nợ 2 tháng bảo hiểm cho người lao động với số tiền 276.353.976 đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH - Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex nợ 2 tháng bảo hiểm với số tiền 170.884.665 đồng; CTCP Quản lý vận hành dự án Vimefulland và Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Vimedimex Bình dương tại Hà Nội cũng nợ 2 tháng bảo hiểm cho người lao động với số tiền chậm đóng lần lượt là 42.180.957 đồng và 7.573.568 đồng.

Theo tìm hiểu, CTCP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) được thành lập năm 2009, bà Nguyễn Thị Loan là 1 trong số các cổ đông sáng lập Tập đoàn này và bà Loan từng là Chủ tịch HĐQT Vimedimex Group.

Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực y dược, Vimedimex Group còn phát triển thương hiệu bất động sản Vimefulland với hàng loạt dự án được giới thiệu trên website chính thức như: Helianthus center Red River, The Jade Orchid, The Lotus Center, Eden Rose, Iris Garden, Athena Fulland, The Emeralda, Belleville Hà Nội…Đây chính là lĩnh vực khiến bà Nguyễn Thị Loan vướng vòng lao lý.

Theo cáo trạng, ngày 27/2/2020, UBND TP.Hà Nội phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020, giao cho UBND huyện Đông Anh công khai kế hoạch sử dụng đất và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất, trong đó có dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội).

Tuy nhiên, trong quá trình định giá đất khu đất nói trên, các bị cáo đã không định giá đất khách quan mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy, thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế.

Việc này đã gây hậu quả làm sai lệch giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, tại phiên toà ngày 22/4, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (TP Hà Nội). Tuy nhiên, khi vào làm việc, Hội đồng xét xử bất ngờ tuyên bố do có một số tình tiết cần làm rõ nên quay lại phần xét hỏi.

Sau đó, Hội đồng xét xử đã dừng phiên toà để thảo luận. Sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Trong đó, hội đồng xét xử yêu cầu giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và tài liệu liên quan đến điều tra viên trong các bút lục mà bị cáo cho là không đúng. Đồng thời, hội đồng xét xử yêu cầu xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ thuộc các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá tài sản, ngoài những bị cáo đã bị truy tố trong vụ án.

Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị cho cả 11 bị cáo được hưởng mức án treo. Cụ thể, VKS đề nghị tòa tuyên bà Nguyễn Thị Loan mức án 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản"; Trần Công Tuyên (SN 1982, cựu Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội) mức án 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo còn lại bị đề nghị 9-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT