Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vinaconex: Lãi ròng quý I/2023 'bốc hơi' 98%, chốt trả cổ tức 2022 tỷ lệ 10%

Hà Thị Lưu Luyến

Vinaconex chốt phương án trả cổ tức năm 2022 bằng phát hành gần 48,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10% trong bối cảnh kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG, sàn: HoSE) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu.

Cụ thể, VCG dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% (100 cổ phiếu được nhận 10 cổ phiếu mới), tương ứng phát hành gần 48,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Số cổ phiếu trả cổ tức sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

lai-rong-quy-i-2023-boc-hoi-98-vinaconex-chot-tra-co-tuc-2022-1683708391.jpg
Lãi ròng quý I/2023 của Vinaconex giảm gần 98% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và sau khi trích lập các quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của VCG dự kiến tăng từ gần 4.859 tỷ đồng lên gần 5.345 tỷ đồng.

Sang năm 2023, Vinaconex dự kiến tiếp tục chia cổ tức tỷ lệ 10%, nhưng không đề cập cụ thể chia bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Đáng chú ý, phương án trả cổ tức được doanh nghiệp thông qua trong bối cảnh 3 tháng đầu năm làm ăn không mấy khả quan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.965 tỷ đồng, lãi gộp gần 315 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 90% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện từ 12,4% lên 16%.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp đem về 1.378 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và chiếm hơn 70% tỷ trọng. Mảng bất động sản chỉ đóng góp 139 tỷ đồng doanh thu.

Riêng với doanh thu tài chính kỳ này giảm mạnh từ 736,5 tỷ đồng xuống còn 93 tỷ đồng so với quý I/2022. Nguyên nhân do công ty không còn 598 tỷ đồng khoản lãi do mua rẻ công ty con.

Bên cạnh đó, các chi phí hoạt động trong kỳ duy trì ở mức cao. Chi phí tài chính tăng cao lên tới 226,8 tỷ đồng, lỗ từ các công ty liên doanh liên kết lên tới gần 40 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận lên tới 86,7 tỷ đồng.

Tất cả các chi phí "đè nặng" lên doanh thu khiến công ty chỉ còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 18,8 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, mức lợi nhuận sụt giảm như trên là do quý I/2022, Tổng công ty hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con mới đầu tư nên doanh thu hoạt động tài chính quý I/2022 tăng cao. Mặt khác từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên danh liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi khó khăn kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm 2023, VCG đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến giảm 8%, còn 860 tỷ đồng. Với kết quả đã đạt được sau 3 tháng đầu năm, Vinaconex mới thực hiện được 2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến hết ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VCG đạt hơn 32.474 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 9.210 tỷ đồng (chiếm 28% tỷ trọng), hàng tồn kho gần 7.282 tỷ đồng (chiếm 22%), tài sản dở dang dài hạn gần 6,764 tỷ đồng (chiếm 21%) …

Nợ phải trả tại cuối quý I/2023 tăng nhẹ lên 22.550 tỷ đồng. Riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 5.415 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn chiếm hơn 8.698 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)