VIX, VNDirect, CTS và loạt công ty chứng khoán báo lợi nhuận 'đi lùi' vì tự doanh bết bát

Trong quý II/2024, nhiều công ty chứng khoán tỏ ra "hụt hơi" trong cuộc đua lợi nhuận, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng tự doanh bết bát.

Chứng khoán VIX gây bất ngờ nhất khi là công ty trong nhóm vốn hoá lớn có kết quả kinh doanh ảm đạm. Trong quý II/2024, công ty mang về doanh thu hoạt động 379 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ.

Thực tế, lãi thuần từ mảng tự doanh của công ty chỉ mang về 63 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ và là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh của quý này. Theo giải trình của VIX, chứng khoán Việt Nam có những nhịp sụt giảm sâu trong tháng 4 và 6, điều này ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của công ty.

VIX, VNDirect, CTS và loạt công ty chứng khoán báo lợi nhuận 'đi lùi' vì tự doanh bết bát- Ảnh 1.

Chứng khoán VIX báo lợi nhuận sau thuế quý II/2024 đạt 124 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ.

Cũng nằm trong nhóm công ty chứng khoán vốn hóa lớn tự doanh kém hiệu quả là Chứng khoán VNDirect (mã VND). Công ty này báo lợi nhuận sau thuế "đi lùi" 18% trong quý II/2024, chỉ còn 345 tỷ đồng.

Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 809,7 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Song, lỗ từ tài sản FVTPL lại tăng tới 36% so với cùng kỳ lên 537,9 tỷ đồng. Như vậy lãi thuần từ tự doanh của VNDirect trong kỳ là 271,8 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.

Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI) ghi nhận lợi nhuận gộp mảng tự doanh chỉ đạt 48 tỷ đồng, so với cùng kỳ đạt hơn 90 tỷ đồng. Đây là tác nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của BSC giảm 7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 115 tỷ đồng.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) ghi nhận lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVPTL) giảm 8% về 302,1 tỷ đồng. Song lỗ từ tài sản tài chính FVTPL lại tăng mạnh lên 105,7 tỷ đồng. Như vậy, lãi thuần từ hoạt động tự doanh trong quý II/2024 chỉ đạt 196,4 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 254,4 tỷ đồng, giảm 19%.

Tự doanh kém hiệu quả cũng phải kể đến Chứng khoán APG khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 73% trong quý II/2024 chỉ đạt 32,5 tỷ đồng. Trừ đi lỗ từ tài sản tài chính FVTPL ở mức âm gần 2 tỷ đồng, lãi tự doanh thu về 34,5 tỷ đồng, "bốc hơi" 77% so với cùng kỳ. Hệ quả là APG báo lãi ròng quý II/2024 ở mức hơn 47 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.

Hay như Chứng khoán Bảo Minh (mã: BMS) ghi nhận lãi từ tài sản tài chính FVTPL giảm đến 83%, chỉ còn gần 23,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giảm mạnh lãi bán các tài sản tài chính FVTPL, chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL chủ yếu là cổ phiếu. Lỗ tài sản chính ghi nhận 10,8 tỷ đồng, giảm 15% nhưng kết quả công ty chỉ lãi thuần từ hoạt động tự doanh 12,7 tỷ đồng, trong khi con số này cùng kỳ là 124,3 tỷ đồng.

Thậm chí, Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities, mã CTS) còn ghi nhận lỗ. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL đạt 121,2 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính. Trong khi đó, lỗ từ bán các tài sản tài chính FVTPL 135,5 tỷ đồng, kết quả mảng tự doanh của CTS lỗ khoảng 14,3 tỷ đồng trong quý II/2024. Từ đó, lãi sau thuế giảm 73% về mức 21 tỷ đồng.

Cũng nằm trong nhóm lỗ tự doanh là Chứng khoán DSC với lãi ghi nhận từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 27,4 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng doanh thu nhưng giảm 12% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng gấp 122 lần lên 28 tỷ đồng khiến công ty này lỗ tự doanh khoảng 600 triệu đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của DSC trong kỳ đạt 20,3 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT