VNECO bị bán giải chấp 121.200 cổ phiếu quỹ
Chứng khoán HD đã bán giải chấp 121.200 cổ phiếu VNE theo phương thức khớp lệnh từ ngày 25/10 đến ngày 26/10
CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO, MCK: VNE) mới thông báo về kết quả bán cổ phiếu quỹ.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán HD đã bán giải chấp 121.200 cổ phiếu VNE theo phương thức khớp lệnh từ ngày 25/10 đến ngày 26/10. Sau giao dịch, hiện VNECO còn gần 8,38 triệu cổ phiếu quỹ.
Trước đó, loạt lãnh đạo VNECO cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu, trong đó, từ ngày 17/10, ông Trần Quang Cần, Phó chủ tịch VNE bị công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp 391.500 cổ phiếu. Đến ngày 25/10, ông Cần tiếp tục bị bán 848.500 cổ phiếu và giảm xuống còn 5,86 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,15%.
Đến ngày ngày 24 và 25/10, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VNE cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp với tổng khối lượng là 1.435.800 cổ phiếu và giảm sở hữu xuống còn 2.409.010 cổ phiếu, tỷ lệ 2,94%.
Ở một diễn biến khác, VNECO mới công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần đạt 172,3 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết do một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà đầu thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị… Vì vậy đã không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, nên tổng doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh các giao dịch nội bộ, lợi nhuận gộp Công ty tăng 24%, đạt 38,1 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 1,1 tỷ đồng trong quý III/2023, trong khi kỳ cùng kỳ lỗ 5,1 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNECO đạt 647,3 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 4,4 tỷ đồng, tăng 195% so với cùng kỳ.
Ngoài kết quả kinh doanh đi xuống, một trong những rủi ro của VNECO là áp lực nợ vay. Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của VNECO đạt 3.599 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 71,2%, tương ứng 2.564 tỷ đồng, gấp 2,47 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn ở mức 1.803,5 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (tăng 7,2%). Trong đó, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hải Vân đang là đơn vị tài trợ tín dụng lớn nhất cho VNECO với 556,8 tỷ đồng, tiếp sau là Ngân hàng MB - Chi nhánh Hoàn Kiếm với 151,1 tỷ đồng và nhiều tổ chức tín dụng khác.
Nợ vay lớn gây áp lực cho VNECO khi chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2023 lên tới 96,5 tỷ đồng, gần bằng mức của cả năm 2022 là 101,8 tỷ đồng và cao hơn nhiều mức 37,1 tỷ đồng của năm 2021.