VNG báo lỗ trở lại trong quý II/2024, vay nợ ngắn hạn tăng gấp 1,6 lần

Sau quý đầu năm báo lãi mỏng, VNG lại báo lỗ ròng 489 tỷ đồng trong quý II/2024. Bên cạnh đó, nợ vay tài chính ngắn hạn của công ty tăng mạnh gấp 1,6 lần.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, CTCP VNG (mã: VNZ) lại báo lỗ sau thuế gần 489 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ ròng 597 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu thuần đạt 2.0054,8 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 14%, lên hơn 1.407,6 tỷ đồng. Sau khấu trừ, lãi gộp còn 647 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 19%.

Điểm sáng là doanh thu tài chính tăng mạnh lên 85 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm hơn một nửa còn khoảng 39 tỷ đồng.

Tương tự, chi phí bán hàng đi ngang mức 554 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20% còn 332 tỷ đồng.

VNZ giải trình, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do Công ty vẫn đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNG ghi nhận doanh thu 4.313.7 tỷ đồng, tăng 30%, thực hiện được 39% kế hoạch năm. Nhờ phần lãi mỏng trong quý I mà lợi nhuận sau thuế còn âm 520 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều khoản lỗ 1.205 tỷ đồng cùng kỳ.

Do tiếp tục thua lỗ nên tại thời điểm cuối quý II/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG giảm mạnh còn 1.467,6 tỷ đồng.

Tại ngày 30/2024, tổng tài sản doanh nghiệp đạt gần 10.162,2 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi giảm 14% còn hơn 3.400 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 11% còn hơn 74 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 47%, lên hơn 314 tỷ đồng, chủ yếu ở các phần mềm trò chơi đang hoàn thiện.

Đáng chú ý, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng 18%, lên 1.172,6 tỷ đồng, do phát sinh thêm khoản đầu tư 221 tỷ đồng vào Công ty phát triển Phần mềm VTH.

Đây vốn là công ty con của VNG, nhưng sau khi hoàn tất chào bán cổ phần VTH cho nhà đầu tư chiến lược hồi tháng 5/2024, VNG đã giảm sở hữu từ 65% xuống còn 35%, và ghi nhận là công ty liên kết.

VNG hiện đang đầu tư vào 9 công ty liên kết. Trong đó, chỉ có Dayone báo lãi mỏng, còn lỗ đậm nhất thuộc về Tiki Global 510 tỷ đồng.

VNG báo lỗ trở lại trong quý II/2024, vay nợ ngắn hạn tăng gấp 1,6 lần- Ảnh 1.

Nguồn; VNZ

Trong kỳ, VNG giảm mạnh khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT từ 77 tỷ đồng chỉ còn 7,8 tỷ đồng. Theo thuyết minh, trong kỳ VNG đã thanh lý 761.700 cổ phần CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT với giá gần 74,3 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi hơn 5 tỷ đồng. Qua đó, VNG chỉ còn sở hữu 0,47% cổ phần công ty này.

VNG báo lỗ trở lại trong quý II/2024, vay nợ ngắn hạn tăng gấp 1,6 lần- Ảnh 2.

Nguồn: VNZ

Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng 24%, lên 6.638 tỷ đồng. Trong đó khoản chi phí phải trả ngắn hạn tăng 47% lên mức 2.042,7 tỷ đồng.

Đối với nợ vay, VNG có 1.436 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, tăng gấp 1,6 lần sau 6 tháng đầu năm. Vay nợ dài hạn giảm nhẹ còn hơn 595 tỷ đồng, hầu hết là nợ vay ngân hàng.

Trong đó, khoản vay 997 tỷ đồng tại Vietcombank chi nhánh TP.HCM sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 và khoản vay 253,7 tỷ đồng tại Hongkong and Shanghai Banking đáo hạn vào tháng 9 tới.

Mới đây nhất, VNG bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN và HNX đối với Nghị quyết HĐQT ngày 08/9/2022 thông qua việc thế chấp tài sản của Công ty để đảm bảo nghĩa vụ nợ của cổ đông lớn là CTCP Công nghệ Big V. Đồng thời, VNG đã công bố thông tin không đúng thời hạn với BCTC riêng và hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán; và Báo cáo thường niên 2023.

Bên cạnh đó, VNG bị phạt thêm 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ. Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, VNZ phát sinh giao dịch với bên liên quan là Big V (Doanh nghiệp đã sử dụng tài khoản tiền gửi mở tại Citibank - chi nhánh Hà Nội để đảm bảo cho khoản vay của Big V tại Citibank - chi nhánh Singapore). Tuy nhiên, tại BCTC kiểm toán năm 2022 và 2023, doanh nghiệp đã không trình bày đầy đủ giao dịch với bên liên quan này.

Tổng cộng, số tiền VNG bị phạt là 157,5 triệu đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT