Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

VNG hủy 7,1 triệu cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ còn gần 290 tỷ đồng

Hà Thị Lưu Luyến

"Kỳ lân" công nghệ VNG quyết định hủy 7,1 triệu cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ từ 358,4 tỷ đồng về 287,3 tỷ đồng.

CTCP VNG (mã VNZ - sàn UPCoM) mới đây công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023. Trong đó có nội dung đáng chú ý là việc hủy phương án chào bán cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV.

Cụ thể, VNG thông qua việc dừng triển khai phương án chào bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022. Theo phương án được thông qua năm ngoái, VNG sẽ bán 7.108.262 cổ phiếu với giá 177.881 đồng/cổ phiếu để thu về 1.264 tỷ đồng.

Bên mua dự kiến là CTCP Công nghệ BigV. Nếu giao dịch thành công, CTCP Công nghệ BigV sẽ nâng sở hữu từ 5,7% lên 30,5% vốn điều lệ tại VNG.

vng-huy-7-1-trieu-co-phieu-quy-giam-von-dieu-le-con-gan-290-ty-dong-1689221567.jpg
Trung tâm VNG Data Center tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM). Ảnh: VGP

Tuy nhiên, VNG đã lý giải việc hủy chào bán cổ phiếu quỹ cho Công nghệ BigV do một số lý do khách quan, kế hoạch năm ngoái dù đã được thông qua nhưng chưa thực hiện, Công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra phương án mới chủ động trong năm 2023.

Bên cạnh đó, VNG cũng hủy 7,1 triệu cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ từ 358,4 tỷ đồng về 287,3 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, VNG tiếp tục lên kế hoạch lỗ với doanh thu dự kiến 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).

Về cổ tức, năm 2022, VNG quyết định giữ lại toàn bộ và không chia cổ tức cho cổ đông. Lý giải cho việc không trả cổ tức, VNG cho biết nguồn lợi nhuận giữ lại được phân bổ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cấp hạ tầng để tạo ra tăng trưởng lâu dài. Bên cạnh đó, do hậu Đại dịch Covid-19…, Công ty cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng để kinh doanh ổn định.

Về hoạt động kinh doanh, tại BCTC kiểm toán năm 2022, VNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm thêm 16,61% so với trước kiểm toán, tức là lỗ 1.533,92 tỷ đồng trong khi trước kiểm toán chỉ lỗ 1.315,44 tỷ đồng và cùng kỳ lỗ 71 tỷ đồng,

Trong đó, biến động đáng chú ý sau kiểm toán là lợi nhuận gộp giảm 23,39 tỷ đồng, về 3.437,03 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 35,92 tỷ đồng, về 26,33 tỷ đồng; lỗ công ty liên kết tăng thêm 58,73 tỷ đồng, lên mức lỗ 181,21 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 129,95 tỷ đồng, lên 1.578,94 tỷ đồng và các biến động khác.

Như vậy, luỹ kế năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,52 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Với lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận lỗ 1.077,14 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đã giảm từ 6.648,3 tỷ đồng, về 5.092,95 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)