Vỡ mộng bán hàng trên Temu: Lợi nhuận ‘mỏng như dao cạo’, có mặt hàng sản xuất 12 đồng nhưng bị ép giá còn 11 đồng, nhà sản xuất chịu hoàn toàn rủi ro

Bán hàng trên Temu là cả một sự đánh đổi.

Trong những năm gần đây, hàng nghìn nhà máy và nhà cung cấp Trung Quốc đã gia nhập chuỗi cung ứng của Shein và Temu, sản xuất từ áo phông, túi xách đến đồ điện tử và đồ dùng nhà bếp. Họ có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng trên toàn cầu do khách hàng của Shein trải dài hơn 150 quốc gia, trong Temu là hơn 40.

Tuy nhiên, đó là cả một sự đánh đổi.

Chia sẻ với WSJ, những nhà cung cấp này cho biết họ đang phải vật lộn với tỷ suất lợi nhuận ‘mỏng như dao cạo’, trong khi áp lực về giá luôn thường trực. Số khác thì ‘ngập’ trong lượng hàng tồn kho dày đặc, quan ngại rằng việc giao dịch với Shein và Temu liệu có bền vững hay không.

Nhà cung cấp đồ điện tử Jason Xie trước đây bán một số các thiết bị như màn hình điện thoại thông minh từ gian hàng chợ điện tử Thâm Quyến cho người tiêu dùng Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch khiến hoạt động giao thương bị ảnh hưởng, Xie chuyển sang thương mại trực tuyến, lần đầu tiên bán hàng trên các nền tảng như Amazon và Pinduoduo. Tháng 5 năm 2023, anh chàng cũng nhận lời mời PDD bán hàng trên Temu.

Sau một thời gian hoạt động, Xie nhận ra thị trường của Temu rất đông đúc. Tỷ suất lợi nhuận nhỏ hơn so với Amazon, trong khi người bán phải chịu thêm nhiều chi phí liên quan đến việc trả hàng. Phía nhà cung cấp cũng có thể phải đối mặt với rủi ro bị Temu phạt nếu khách hàng có bất kỳ khiếu nại nào.

Đổi lại, chiến lược giá siêu rẻ của Temu lại mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Nhiều nhà sản xuất đã có cơ hội phát triển quy mô hoạt động nhờ nền tảng này, trong đó có Maibo Industrial - nhà máy chuyên sản xuất chai và cốc uống nước cho các thương hiệu bán lẻ. Tỷ suất lợi nhuận trên Temu đạt 20% so với 10% trên các nền tảng khác.

Vỡ mộng bán hàng trên Temu: Lợi nhuận ‘mỏng như dao cạo’, có mặt hàng sản xuất 12 đồng nhưng bị ép giá còn 11 đồng, nhà sản xuất chịu hoàn toàn rủi ro  - Ảnh 1.

Temu và Shein đã nâng cấp chuỗi cung ứng thương mại điện tử, yêu cầu nhà cung cấp giao hàng nhanh trong vài ngày, đồng thời dựa vào dữ liệu thời gian thực để nhanh chóng phân tích nhu cầu và bổ sung đơn hàng nếu cần. Điều này giúp nền tảng hạn chế rủi ro về hàng tồn kho.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rủi ro này lại bị chuyển sang các nhà cung cấp.

Tổng giám đốc Zhang Qingwei của Dongguan Michun Clothing cho biết thương hiệu sản xuất quần áo trẻ em này vừa quyết định ngừng cung cấp sản phẩm cho Shein dù trước đó đã hợp tác trong vòng 2 năm. Shein có thể lên đơn đặt hàng số lượng lớn, song nếu sản phẩm đó không bán chạy, hãng sẽ chỉ lấy một phần nhỏ. Phần còn lại nhà máy của Zhang sẽ phải xử lý.

“Rủi ro là quá lớn đối với nhà máy. Doanh thu từ Shein vào thời kỳ đỉnh cao chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của chúng tôi song hiện đã giảm xuống còn khoảng 1%”, ông Zhang nói.

Theo WSJ, rất nhiều người bán đã ngừng hợp tác với Temu vì chính sách giá nghiêm ngặt. Hãng đặt mức giá rất thấp và điều này khiến các thương lái chỉ thu về tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ.

Tuy nhiên, vẫn có người thành công nhờ Temu. Huang Yilun ở Huệ Châu, một thành phố gần Thâm Quyến, là ví dụ điển hình. Hãng chuyên sản xuất đồ trang trí Giáng sinh này đã tìm đến thương mại điện tử với mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trong số 10 mẫu, Temu đồng ý 2 mẫu và bảo Huang Yilun giảm giá thêm 20%. Ông chấp thuận ngay lập tức vì kiểu gì cũng hời hơn ban đầu.

Tuy nhiên hiện tại, công cuộc thuê nhân công giá cao dần tạo thêm gánh nặng. Bản thân Temu lại yêu cầu giảm giá thêm một số mặt hàng.

“Temu là một nền tảng hấp dẫn đối với tôi, song áp lực đã bắt đầu gia tăng”, Huang nói.

Vỡ mộng bán hàng trên Temu: Lợi nhuận ‘mỏng như dao cạo’, có mặt hàng sản xuất 12 đồng nhưng bị ép giá còn 11 đồng, nhà sản xuất chịu hoàn toàn rủi ro  - Ảnh 2.

Chị Yu cũng là một trong số những người bán hàng trên Temu. Doanh số bán ra nhiều hơn trên Amazon, song giá chỉ được phép bằng một nửa.

“Tôi cảm thấy như mình bị ép mà không hề có lựa chọn nào khác”, chị Yu nói.

Theo Zhang Zhouping, một nhà nghiên cứu thương mại điện tử xuyên biên giới, nói với Rest of World rằng các nền tảng như Temu đặt ra một vấn đề nan giải: Giảm tỷ suất lợi nhuận và đạt doanh thu cao hơn, nếu không sẽ sớm bị đào thải.

“Chi phí sản xuất tốn hơn 12 USD, song Temu yêu cầu chúng tôi bán nó với giá hơn 11 USD. Không thể chấp nhận được. Chúng tôi quyết định rút lui”, một người bán tên Queenie Zhang nói.

Theo Tai Shi, chủ doanh nghiệp trên Temu, người bán không thể toàn quyền định giá sản phẩm và thường xuyên bị Temu yêu cầu giảm giá. Phía nền tảng sẽ quyết định mức chiết khấu là bao nhiêu.

“Bạn không có quyền quyết định. Nếu bạn không giảm giá, Temu có thể sẽ xóa sản phẩm khỏi danh sách”, Tai Shi nói và cho biết quy trình kiểm soát chất lượng của Temu cũng rất khắt khe.

“Điều này xảy ra rất thường xuyên. Chúng tôi gửi cho họ 100 sản phẩm. Đôi khi họ trả lại 1-2 sản phẩm. Cũng có lúc họ trả lại hết”, Tai Shi nói. Được biết, anh chàng này đã từ chối chào bán thêm nhiều mặt hàng bởi lợi nhuận kiếm được quá thấp trong khi mức độ rủi ro lại cao.

Vỡ mộng bán hàng trên Temu: Lợi nhuận ‘mỏng như dao cạo’, có mặt hàng sản xuất 12 đồng nhưng bị ép giá còn 11 đồng, nhà sản xuất chịu hoàn toàn rủi ro  - Ảnh 3.

Tại Trung Quốc, một số người bán đã bỏ cuộc khi vào tháng 12/2022, Temu yêu cầu phía nhà sản xuất chịu một nửa chi phí vận chuyển. Một người bán tên Sandy cho biết cô ấy đã ngừng bán sản phẩm dành cho thú cưng trên Temu vào tháng 3.

“Chúng tôi đã gửi cho họ một số sản phẩm để chạy thử. Chúng bán rất chạy và Temu yêu cầu chúng tôi gửi thêm với số lượng lớn. Sau khi chúng tôi chi tiền và thanh toán chi phí vận chuyển, phía Temu lại yêu cầu chúng tôi giảm giá”, Sandy nói.

Sau khi bán lỗ, Sandy quyết định ngừng hợp tác.

“Mọi lợi ích Temu đưa ra đều không thể bù đắp khoản lỗ mà tôi phải chịu”, Sandy kể.

Theo: WSJ, Thư Wired

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT