Vợ ông Nguyễn Cao Trí làm Chủ tịch hội đồng Đại học Văn Lang

Ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Văn Lang là bà Bùi Thị Vân Anh- vợ ông Nguyễn Cao Trí.

vo-ong-nguyen-cao-tri-lam-chu-tich-hoi-dong-dai-hoc-van-lang-antt-1-1688623959.PNG
Bà Bùi Thị Vân Anh hiện là Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Văn Lang. Nguồn: vlu.edu.vn

Theo thông tin được công bố trên website của Trường Đại học Văn Lang, bà Bùi Thị Vân Anh- vợ doanh nhân Nguyễn Cao Trí, hiện đang là Chủ tịch hội đồng nhà trường.

Trước đó, tại sự kiện Town Hall Meeting 2022 diễn ra vào ngày 31/12 của Đại học Văn Lang, ông Nguyễn Cao Trí vẫn được giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng trường.

Chia sẻ tại sự kiện, vị doanh nhân này đặt ra những định hướng và cách thức để thành viên trong Tập đoàn Giáo dục Văn Lang có những hướng đi đúng đắn, xây dựng kế hoạch và dự định trong những năm tiếp theo.

Được biết, Đại học Văn Lang được thành lập từ năm 1995; thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 7/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là gần 1.700 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. 

Hiện, ông Nguyễn Cao Trí đang làm Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang.

vo-ong-nguyen-cao-tri-lam-chu-tich-hoi-dong-dai-hoc-van-lang-antt-2-1688623900.PNG
Doanh nhân Nguyễn Cao Trí trong một sự kiện của Đại học Văn Lang hồi cuối tháng 12/2023. Nguồn: vlu.edu.vn

Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/7, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, đề nghị ngăn chặn giao dịch đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của doanh nhân Nguyễn Cao Trí.

Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, ông Nguyễn Cao Trí được xác định có liên quan đến vụ án đang được Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) điều tra. Vụ án này này đã được Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an khởi tố vào ngày 14/10/2022, bổ sung quyết định khởi tố vụ án vào ngày 15/01/2023.

Để thực hiện công tác phối hợp, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn không thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, tặng, cho… đối với tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí cho tới khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nhân Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay song lại khá kín tiếng trước giới truyền thông. "Hệ sinh thái" Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, kinh doanh F&B cho đến giáo dục...

Đại gia Sài Thành từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group) với vị trí Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (từ năm 1999 - 2005) hay Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).

Năm 2015, Bến Thành Land đổi tên thành CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality) dưới sự "chèo lái" của ông Nguyễn Cao Trí trong vai trò Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Được biết, Capella Holdings hiện đang sở hữu loạt thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace Corp, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall.

Capella Holdings được biết đến là pháp nhân này đứng đằng sau thương vụ Công ty TNHH Chloe Hospitality "thâu tóm" 2 toà lâu đài của Khaisilk, gồm: Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Charm Charm (toạ lạc tại số 2 - 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM).

Mặc dù giá trị chuyển nhượng không được công bố tuy nhiên hai công trình trên từng được Tập đoàn Khaisilk đầu tư hơn 30 triệu USD. Đây là hai bất động sản khá lộng lẫy, được xem như toà lâu đài, nằm ở vị trí đắc địa khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Trong mảng bất động sản, doanh nhân Sài Gòn hiện đang là người đại diện theo pháp luật tại Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Sài Gòn Đại Ninh).

Được biết, khi mới thành lập, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, với 8 cổ đông cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group giữ 85% cổ phần và 7 cổ đông cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại.

Tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp.

Tháng 10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, thành phần cổ đông cũng thay đổi khi phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa đứng tên. Tuy nhiên, về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân này là chủ sở hữu của Phương Nam Group.

Cuối tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa khiến không ít người bất ngờ khi không còn là người đại diện theo pháp luật tại Sài Gòn - Đại Ninh mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí với vai trò Tổng Giám đốc.

Sài Gòn Đại Ninh được biết đến là chủ đầu tư siêu Dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tổng vốn 25.243 tỷ đồng, tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị TTCP kiến nghị thu hồi thời điểm năm 2021.

Về Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, cuối năm 2021- đầu năm 2022, đơn vị này phát hành thành công 2.200 tỷ đồng trái phiếu.

Hơn một tháng sau đợt phát hành, ông Nguyễn Cao Trí đã chuyển đối khối trái phiếu trên sang thành cổ phiếu với tỷ lệ 1:5 (1 trái phiếu trị giá 100.000 đồng đổi thành 5 cổ phiếu với mệnh giá 10.000/cổ phiếu).

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT