Volkswagen không khốn đốn như nhiều người nghĩ: Hơn 10.000 lao động vẫn sống tốt, mỗi phút lại cho ra đời 1 chiếc xe
Volkswagen đóng cửa các dây chuyền lắp ráp sản xuất nổi tiếng và đã chuyển đổi sang sản xuất xe điện.
Zwickau, một thành phố phía đông nước Đức, có thể không nổi tiếng bằng Detroit, song nền kinh tế nơi đây đã xoay quanh động cơ đốt trong kể từ khi August Horch thành lập Audi vào đầu thế kỷ 20. Chính vì vậy, khi Volkswagen tuyên bố vào năm 2018 rằng tập đoàn sẽ chuyển đổi nhà máy tại Zwickau thành nơi chỉ sản xuất xe điện, ai nấy đều bất ngờ.
“Điều gì sẽ xảy ra?”, Michael Fuchs, người đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại nhà máy, cho biết: “Rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ”.
Theo The New York Times, Volkswagen đã đóng cửa các dây chuyền lắp ráp sản xuất nổi tiếng và chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Nhà máy sau khi được tu sửa có thể sản xuất một chiếc ô tô mỗi phút và vận chuyển chúng ra ngoài bằng tàu hỏa.
Việc có một nhà máy ô tô lớn chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang sử dụng pin khiến Zwickau trở thành trường hợp nghiên cứu điển hình. Nó đặt ra câu hỏi, thách thức lớn mà ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt.
Xe điện ít bộ phận hơn nhiều so với xe chạy xăng: không có bộ tản nhiệt, ống xả, bình xăng, đai quạt hoặc hộp số phức tạp. Quá trình lắp ráp theo đó sẽ đơn giản hơn, cần ít nhân công hơn và điều này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt ở các thị trấn và thành phố.
Thế nhưng, Zwickau, nơi có hơn 10.000 lao động làm việc cho Volkswagen và hàng chục nghìn người khác đang làm việc cho các nhà cung cấp linh kiện, dường như đã tránh được những tác động này. Việc làm không bị sụt giảm. Các nhà cung cấp phụ tùng cho xe xăng cũng không phá sản.
Zwickau cho thấy việc chuyển đổi sang xe điện sẽ không dẫn đến sự khốn cùng, song thứ công nghệ mới này vẫn đang làm rung chuyển toàn ngành theo những cách mà các công ty lâu đời không mong đợi. Bằng chứng là các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc như BYD và SAIC đã lôi kéo được rất nhiều khách hàng của Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới chỉ sau Toyota.
“Câu hỏi đặt ra là liệu Volkswagen có còn hiện diện?”, Thomas Knabel, đại diện IG Metall, công đoàn đại diện cho công nhân Volkswagen cho biết.
Hiện mẫu xe điện bán chạy nhất ở châu Âu là dòng thể thao đa dụng Model Y của Tesla - sản xuất tại một nhà máy cách Zwickau gần Berlin khoảng 245 dặm về phía bắc. Theo Schmidt Automotive Research, năm ngoái, Volkswagen chỉ bán được chưa đến 50% lượng SUV tương đương. Doanh số bán hàng đáng thất vọng khiến hãng phải cắt giảm ca làm việc tại một trong hai dây chuyền lắp ráp ở Zwickau, nơi công ty sản xuất ID.4, ID.5, hai mẫu xe Audi và hai mẫu xe điện nhỏ.
“Đó là một dự án đầy tham vọng. VW đã gặp rủi ro lớn”, Ian Greer, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Cornell, nói.
Max Jankowsky, chủ tịch Phòng Thương mại khu vực, cho biết ông rất thất vọng vì không nhìn thấy bất kỳ chiếc Volkswagens nào trong chuyến đi gần đây tới Dubai. “Chỉ thấy Tesla, Tesla và Tesla”, ông nói.
Các giám đốc điều hành của Volkswagen kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trong năm nay khi hãng bắt đầu bán các mẫu xe mới, bao gồm cả xe ga và xe tải, nhắm vào các phân khúc mà Tesla không tham gia. Oliver Blume, giám đốc điều hành của Volkswagen, cho biết vào tháng trước: “Chúng tôi nhận thức được những thách thức hiện tại của mình và đang giải quyết chúng một cách nghiêm túc”.
Theo các quan chức địa phương, ít nhất trong ngắn hạn, tổn thất đối với nền kinh tế địa phương từ việc chuyển đổi nhà máy Zwickau sẽ không đáng kể. Nhu cầu với công nhân sản xuất linh kiện điện tử đã bù đắp phần lớn tình trạng mất việc làm từ các dây chuyền sản xuất sản xuất động cơ đốt trong.
Được biết Volkswagen, các doanh nghiệp và quan chức địa phương đã phối hợp giảm thiểu tác động cho người lao động, đồng thời mở rộng cơ sở đào tạo ở Zwickau. Volkswagen còn cho công nhân mượn ô tô chạy bằng pin trong vài ngày. Đại học Khoa học Ứng dụng West Saxon ở Zwickau thì mở rộng các khóa học liên quan đến công nghệ xe điện.
Thế nhưng, vẫn có một số nhà cung cấp phải chịu thiệt hại. GKN Driveline, công ty sản xuất trục truyền động không cần thiết trong hầu hết ô tô điện, đã phải đóng cửa một nhà máy ở Zwickau và chuyển dây chuyền sản xuất sang Hungary.
Công nghệ mới đang tạo ra việc làm mới. Nhiều nhà cung cấp địa phương chuyên sản xuất ghế ngồi, bảng điều khiển, thiết bị sơn… nhận thêm được đơn đặt hàng.
Do thiếu thợ điện, kỹ sư và công nhân lành nghề khác, tỷ lệ thất nghiệp ở bang Saxony, trong đó có Zwickau, chỉ tăng ở mức khiêm tốn. Con số này là 6,6% trong tháng 3 trong bối cảnh kinh tế nói chung đang suy thoái, tăng từ mức 6,3% một năm trước đó.
“Sẽ có những nhà cung cấp biến mất, còn công nhân lành nghề thì ngay lập tức tìm được việc làm thôi”, Karsten Schulze, giám đốc điều hành của FDTech cho biết.
Được biết công nhân của Volkswagen được quyền tư vấn về những thay đổi ảnh hưởng đến điều kiện làm việc. Công đoàn IG Metall cam kết sẽ không sa thải bất kỳ nhân viên toàn thời gian nào ở Zwickau, sớm nhất là cho đến năm 2030.