Vốn hóa VinFast giảm còn 69 tỷ USD phiên giao dịch thứ hai
Sau ngày chào sàn ấn tượng, cổ phiếu VFS của VinFast quay đầu giảm mạnh trong ngày 16/08. Dù vậy với vốn hóa 69 tỷ USD, hãng xe điện Việt vẫn lọt top 8 hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast giảm khoảng 30%, về mức 26 USD/cổ phiếu.
Sau đó VFS lại diễn biến ngược dòng, tăng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch 16/8 trên sàn chứng khoán Mỹ (rạng sáng ngày 17/8 giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS giảm khoảng gần 19%, so với chốt phiên trước đó và giao dịch ở mức 30,1 USD/cổ phiếu.
Ở mức này, vốn hóa của VinFast vẫn rất cao, còn hơn 69 tỷ USD. Dù đã giảm mạnh, song VinFast vẫn lọt top 8 hãng xe hơi vốn hóa lớn nhất thế giới.
Đây là điều khá phổ biến đối với nhiều mã cổ phiếu niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt đối với các mã cổ phiếu công nghệ.
Trước đó cổ phiếu VFS tăng bứt phá trong ngày chào sàn 15/08. Cụ thể, cổ phiếu của hãng xe điện Việt tăng sốc từ 22 USD/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 37,06 USĐ/cổ phiếu. Ở mức vốn hóa 85 tỷ USD, VinFast vượt qua Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng.
Mức vốn hóa 85 tỷ USD của VinFast còn lớn hơn tổng giá trị 8 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam cộng lại và vượt tổng vốn toàn ngành ngân hàng Việt Nam cộng lại.
Cũng trong phiên giao dịch đầu tiên, 6,7 triệu cổ phiếu VFS được chuyển nhượng, cao hơn so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) là 4,5 triệu đơn vị.
Chia sẻ với trong buổi họp báo trực tuyến với báo chí Việt Nam, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Auto Pte. Ltd., cho biết: "Mức vốn hóa 85 tỷ USD tuy có bất ngờ, nhưng chúng tôi biết rằng giá trị công ty còn nhiều hơn thế”.
Đồng thời, bà lý giải sở dĩ giá trị vốn hóa tăng cao là do VinFast đưa ra cổ phiếu lưu hành đợt này không nhiều, trong khi nhu cầu giao dịch lại rất cao, với số lượng giao dịch tăng lên đến 6,7 triệu cổ phiếu.
“Với 4,5 triệu cổ phiếu trôi nổi nhưng đã có gần 6,9 triệu cổ phiếu khớp lệnh, có thể thấy có nhà đầu tư đã quay vòng luôn. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nhu cầu lớn, giúp đánh tan những nghi ngờ về việc công ty tự định giá ở mức 23 tỷ USD”, bà Thủy nói.
Thực tế, phần lớn lượng cổ phiếu VinFast nằm trong tay Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều đang bị hạn chế giao dịch.