Vốn ngoại ồ ạt rút khỏi sàn chứng khoán, giá trị bán ròng trên HoSe vượt mức 25.000 tỷ đồng từ đầu năm

Giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE hiện đạt khoảng 1,1 tỷ USD sau chuỗi 9 tháng "xả hàng" liên tiếp và xu hướng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cột mốc 25.000 tỷ đồng đã chính thức bị vượt qua trên sàn HoSE. Luỹ kế từ đầu năm 2023 tới hiện tại, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 25.300 tỷ (khoảng 1,1 tỷ USD) sau chuỗi 9 tháng "xả hàng" liên tiếp và xu hướng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Không loại trừ khả năng sẽ sớm xóa tan thành quả mua ròng mạnh của khối ngoại vào cuối năm ngoái. 

1.png

Khối ngoại chỉ thực sự dồn dập mua ròng bắt đáy cổ phiếu trong giai đoạn cuối năm 2022 khi thị trường xuống đáy, còn lại xu thế bán ròng vẫn chiếm lĩnh xuyên suốt vài năm trở lại đây. Một số nhận định cho rằng dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, không tác động quá lớn tới thị trường chung. Tuy nhiên, phải nói rằng dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của nhà đầu tư nội.

Một trong những yếu tố căn cơ khiến tiền ngoại từ chối mua cổ phiếu Việt đến từ sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn. Theo dữ liệu từ Bloomberg, 2 nhóm ngành tài chính và bất động sản (theo hệ thống phân ngành GICS) chiếm tổng tỷ trọng đến hơn 57% vốn hóa thị trường chứng khoán. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc,… Nếu so với các thị trường hàng đầu trên thế giới, tỷ trọng này của Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn. Trong khi đó, các lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ,… lại không có nhiều cổ phiếu trên sàn chứng khoán và tỷ trọng cũng rất hạn chế.

photo-1703436283893

Điều này cũng phần nào lý giải việc khối ngoại mạnh tay tham gia các thương vụ mua cổ phần chiến lược tại số ít những doanh nghiệp thuộc "sở thích". Điển hình là nhóm ngành dược phẩm khi đa phần các doanh sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Dược Hà Tây (DHT), Pymepharco (PME)… đều đang có cổ đông chiến lược nước ngoài. Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ. Ở các lĩnh vực khác, Daytona Investments mua cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP); Hana Securites trở thành cổ đông chiến lược của Chứng khoán BSC,... Đây đều là những thương vụ mua cổ phần chiến lược giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD.

Mở rộng hơn, không chỉ trên sàn dòng vốn ngoại vẫn đều đặn âm thầm đổ vào thị trường nhưng ngoài sàn chứng khoán. Có thể kể đến như Thomson Medical bỏ ra gần 380 triệu USD mua Bệnh viện FV; VinaCapital rót vốn vào Bệnh viện Thu Cúc; Dongwha Pharm mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma; Tập đoàn Raffles Medical Group (RMG) mua lại cổ phần kiểm soát Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH);… Có thể thấy, thay vì qua sàn, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng "rót tiền" vào Việt Nam thông qua các thương vụ thâu tóm, mua cổ phần chiến lược doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, khối ngoại bán ròng có thể xuất phát từ sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá, hoạt động cơ cấu của các quỹ ngoại hay một số yếu tố mang tính thời điểm như giai đoạn vài tuần vừa qua liên quan tới thuế đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Áp lực bán ròng một phần còn đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn. Điển hình là bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) và DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30) của Dragon Capital đều bị nhà đầu tư Thái Lan xả hàng mạnh trong năm 2023. Ngoài ra, SSIAM VNFinlead ETF cũng bị rút vốn khá mạnh những tháng gần đây.

Định giá thị trường không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index gần 14 lần - cao đáng kể so với mức đáy quý 4 năm ngoái - cũng cản trở dòng vốn ngoại tiếp cận. Câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn đang dừng ở kỳ vọng, trong khi đó bối cảnh hiện tại khó có thể kỳ vọng giải ngân trên các thị trường cận biên (frontier) như chứng khoán Việt Nam.

Dù vậy, nội tại nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khả quan mở ra triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco, nhìn từ góc độ vĩ mô, mặc dù gặp rất nhiều yếu tố bất lợi đến từ cả trong và ngoài nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc top đầu trong khu vực Châu Á và được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong những năm tới. Là đất nước được rất nhiều nền kinh tế lớn quan tâm và là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài, TTCK theo đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm trong dài hạn và kéo theo đó là dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm quay trở lại. 

Nhìn trong giai đoạn gần, những thông tin mang tính lan tỏa cao như triển khai hệ thống KRX, ước tính kết quả kinh doanh quý 4 và kế hoạch kinh doanh 2024 xuất hiện được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường có sự bứt phá và thanh khoản tăng trở lại trong thời gian tới.

Phương Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT