VPBank chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%

Ngày 23/5 tới đây, VPBank sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

vpbank-chot-quyen-tra-co-tuc-bang-tien-mat-ty-le-10-anttt-1715682946.png
Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB, sàn HoSE) vừa thông báo về việc chi trả cổ tức năm 2023.

Theo đó, ngày 23/5 tới đây, ngân hàng này sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng. 

Ngày đăng ký cuối cùng là 23/5/2024, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 22/5 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 31/5.

Với xấp xỉ 7.934 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, dự kiến VPBank sẽ phải chi tương ứng khoảng 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Trước đó, tháng 11/2023, VPBank cũng đã tiến hành thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự ở mức gần 19.346 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự lại giảm 5,5%, về mức 8.022,5 tỷ đồng. Điều này giúp thu nhập lãi thuần quý đầu năm 2024 của VPBank tăng tới 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11.323,4 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 7%, về mức 1.554 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về 304 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 347 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 32,5 tỷ đồng, trong khi quý I/2023 lãi 95,2 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của VPBank giảm tới 84%, từ mức 1.377,4 tỷ đồng xuống 225 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ nguồn thu từ các công cụ phái sinh khác, thu từ nợ đã xử lý rủi ro và thu từ hoạt động mua bán nợ giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng chi phí hoạt động của VPBank tăng nhẹ hơn 1% lên 3.466,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, VPBank giảm chi phí dự phòng quý I/2024 xuống mức 5.762 tỷ đồng, tương ứng giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của VPB tăng tới 64% so với quý I/2023, đạt gần 4.182 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 90,4% lên mức gần 3.142 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản VPBank đạt gần 822.367 tỷ đồng, tăng 4.800 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Cho vay khách hàng tăng 2,9% lên 582.691 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 15.055 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước ở mức 516.624 tỷ đồng, chiếm 88,66% tổng danh mục cho vay vào cuối quý I/2024.

Về chất lượng nợ vay, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tính đến ngày 31/3/2024 giảm từ 12.074 tỷ đồng (cuối năm 2023) xuống còn 9.826 tỷ đồng.

Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 14% lên 13.656 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng nhẹ lên 4.691 tỷ đồng.

Tổng số dư nợ xấu của VPBank giảm 0,9% so với cuối năm trước, xuống 28.173 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này giảm từ 5,02% xuống 4,84%.

Bên kia đối ứng, tiền gửi của khách hàng tăng 3% lên 455.817 tỷ đồng, tương ứng tăng 13.449 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT