VPBank mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

VPbank vừa tất toán trước hạn lô trái phiếu VPBL2125022 với giá trị phát hành 500 tỷ đồng.

VPBank mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố văn bản của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Cụ thể, ngày 30/8/2024, VPBank tất toán trước hạn lô trái phiếu VPBL2125022 với giá trị phát hành 500 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu này phát hành ngày 30/8/2024, có kỳ hạn 4 năm.

Trước đó, ngày 26/7/2024, VPBank đã tiến hàng mua lại 1.000 trái phiếu mã VPBL2125017, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị mua lại là 1.000 tỷ đồng.

Đến ngày 29/7/2024, ngân hàng này tiếp tục mua lại trước hạn 1.000 tỷ đồng lô trái phiếu mã VPBL2125018, đưa khối lượng còn lại sau khi mua lại theo mệnh giá về còn 0 đồng.

Cũng trong ngày 29/7/2024, VPBank tất toán trước hạn lô trái phiếu VPBL2125019 với giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng.

Được biết, cả 3 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2024, kỳ hạn 4 năm. Lãi suất phát hành là 4%/năm.

Ở chiều ngược lại, ngày 16/8/2024, ngân hàng đã phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024. Lô trái phiếu mã VPBB2427001 gồm 4.000 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 4.000 tỷ đồng, phát hành ngày 16/8/2024, kỳ hạn 3 năm.

Lô trái phiếu này có lãi suất 5,5%/năm, có kèm điều khoản mua lại. Số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được VPBank sử dụng để cho vay khách hàng.

Trong một diễn biến khác, mới đây, VPBank đã có công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Theo đó, tính đến ngày 19/7/2024, có 13 cổ đông cá nhân sở hữu khoảng 3,2 tỷ cổ phiếu VPB và 4 cổ đông tổ chức sở hữu khoảng 1,9 tỷ cổ phiếu.

Tổng cộng số cổ phiếu mà 17 pháp nhân, thể nhân này nắm giữ là gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank.

Đối với nhóm cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn VPBank trở lên, đứng đầu là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Đây là cổ đông chiến lược của VPBank, nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu VPB, tương đương 15% vốn điều lệ.

Tiếp theo là CTCP DIERA Corp đang nắm giữ 348,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn điều lệ.

Hai cổ đông tổ chức còn lại là quỹ đầu tư Composite Capital Master Fund (sở hữu gần 217 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 2,73% vốn) và quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments (sở hữu 101 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 1,28% vốn).

Trong số 13 cổ đông cá nhân nói trên, Chủ tịch Ngô Chí Dũng là người sở hữu lượng cổ phiếu lớn nhất với gần 328,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,1411%. Tiếp sau đó là 2 người cùng có liên quan đến ông Dũng gồm: bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Ngô Chí Dũng) nắm gần 325,9 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 4,1075% và bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng) nắm 326,75 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 4,1184%.

Mặc dù Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Lô Bằng Giang không có mặt trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên nhưng 2 người có liên quan đến ông Giang là bà Lý Thị Thu Hà (mẹ ông Lô Bằng Giang) và bà Nguyễn Thu Thủy (vợ ông Giang) đang lần lượt sở hữu 282,1 triệu cổ phiếu VPB (3,556% vốn) và 203,3 triệu cổ phiếu VPB (2,56% vốn).

Ông Bùi Hải Quân- Phó Chủ tịch VPBank hiện đang sở hữu 156,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,97% vốn điều lệ. Còn bà Kim Ngọc Cẩm Ly- vợ ông Quân, đang nắm giữ 286,6 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 3,61% vốn ngân hàng này.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng là "có mặt" trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn ngân hàng trở lên khi nắm giữ 104,9 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 1,3222%.

Một số cổ đông cá nhân khác đang sở hữu trên 1% vốn tại VPBank là: ông Trần Ngọc Trung (3,8454%); bà Trần Ngọc Lan (3,9051%); ông Lê Việt Anh (3,5325%); bà Lê Minh Anh (2,7061%) và ông Nguyễn Mạnh Cường (1,4464%).

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT