VSIP chuẩn bị tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng, Becamex IDC sẽ góp hơn 500 tỷ

Dự kiến sau khi thay đổi, vốn điều lệ của VSIP đạt hơn 2.678 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Becamex IDC vẫn là 49%.

VSIP chuẩn bị tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng, Becamex IDC sẽ góp hơn 500 tỷ - Ảnh 1.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) vừa thông qua việc góp vốn để tăng vốn điều lệ cho Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Cụ thể, vốn điều lệ của VSIP sẽ được tăng thêm 1.056 tỷ đồng, trong đó Becamex IDC sẽ góp thêm hơn 517 tỷ đồng. 

Dự kiến sau khi thay đổi, vốn điều lệ của VSIP đạt hơn 2.678 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Becamex IDC vẫn là 49%. Thời hạn góp vốn trong quý 4/2023.

Trước đó, vào cuối tháng 9, VSIP cũng có một đợt tăng vốn điều lệ từ 1.025 tỷ đồng lên 1.623 tỷ đồng. Cũng trong tháng 9, doanh nghiệp này huy động thành công hai lô trái phiếu trong nước với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 7 năm, được phát hành ở thị trường trong nước với lãi suất được công bố là 10,5%/năm. Các chi tiết cụ thể về đợt phát hành không được công bố.

Từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và tập đoàn Becamex đã thành lập khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên, với diện tích 2.500 ha tại tỉnh Bình Dương.

Đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 ha. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. Gần nhất, VSIP Nghệ An vừa được chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) với quy mô 500ha.

Trong các công ty liên doanh, VSIP là liên doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Becamex IDC. Lãnh đạo Becamex cho biết liên doanh này sẽ được IPO trong tương lai để nâng tầm phát triển.

Về tình hình kinh doanh nửa đầu năm, VSIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 442,3 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 7,45% về 3,13%.

Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 14.148 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,73 lần, tương ứng nợ phải trả là 10.328 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là gần 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 24.476 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT