Vụ cánh tuabin điện gió rơi tự do, gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng: Hé lộ tiềm lực chủ đầu tư

Sự cố cánh quạt điện gió đang hoạt động bỗng rơi xuống ước tính gây thiệt hại cho Hacom Bạc Liêu khoảng 200 tỷ đồng.

Rơi cánh quạt điện gió tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 5

Ngày 4/3, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức gặp gỡ với doanh nghiệp trên địa bàn để trao đổi, xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Đáng chú ý, tại buổi gặp gỡ, ông Phạm Văn Thiều- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ với chủ đầu tư về sự cố rơi Nacelle và cánh tuabin điện gió tại nhà máy điện gió Hòa Bình 5. 

vu-canh-tuabin-dien-gio-roi-tu-do-gay-thiet-hai-khoang-200-ty-dong-he-lo-tiem-luc-chu-dau-tu-antt-1709539712.png
Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: Người lao động

Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người. Ước tính, sự cố đã gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu khoảng 200 tỷ đồng. 

Liên quan đến sự việc này, lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cho hay, sau khi sự cố xảy ra, nhà máy tạm dừng vận hành các trụ điện để đảm bảo an toàn. Dự kiến hôm nay (4/3), nhà máy hoạt động lại bình thường

Hiện, nguyên nhân dẫn đến sự cố trên đang được các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ. 

Ngoài ra, lãnh đạo huyện Hòa Bình cũng yêu cầu chủ đầu tư về lâu dài cần thường xuyên kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn và tránh xảy ra sự cố tương tự trong quá trình hoạt động.

Tiềm lực chủ đầu tư thế nào?

Được biết, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) có công suất 80MW với tổng số vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng, do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu (Hacom Bạc Liêu) làm chủ đầu tư. 

Dự án xây dựng trên diện tích 27,7ha với 26 trụ tuabin gió, công suất từ 3,0 - 3,3 - 4.2 MW/tuabin, cao trên 140m, sản lượng khai thác bình quân là 280 triệu kWh/năm. 

Đây là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực sử dụng nguồn năng lượng sạch để sản xuất điện năng.

Theo tìm hiểu, Hacom Bạc Liêu là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" Hacom Holdings.

Thời điểm mới thành lập (tháng 6/2020), vốn điều lệ của công ty là 720 tỷ đồng, trong đó, Công ty CP Đầu tư Hacom Holdings nắm giữ 99% và 1% còn lại thuộc về 2 cổ đông Nguyễn Như Thức và Trần Thị Thu Thủy.

Ông Trần Phú Chiến (SN 1976) là Tổng Giám đốc, Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đến tháng 4/2021, công ty tăng vốn lên 1.170 tỷ đồng.

Ông Chiến còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings (tiền thân là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Hà Nội).

Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 9/2005, trụ sở chính tại tòa nhà The Light (đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). 

Hacom Holdings hoạt động đa ngành, trong đó nổi bật là Bất động sản, Năng lượng, Khách sạn và sản phẩm hàng hóa; thông qua các công ty con như: Công ty Cổ phần Xây dựng Hacom Ninh Thuận; Công ty Cổ phần Năng lượng Hacom; Công ty Cổ phần Khách sạn Hacom; Công ty Cổ phần Thành Đông Ninh Thuận; Công ty Cổ phần Hacomland Ninh Thuận...

Một số dự án tiêu biểu của Hacom Holdings có thể kể đến như: Khu đô thị mới Đông Bắc- Khu K1 (phường Thanh Sơn và Mỹ Bình, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận); Khu nhà ở xã hội Hacom Galacity (TP. Phan Rang - Tháp Chàm); Hacom Mall (TP. Phan Rang - Tháp Chàm); Khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ - Khu K2 (Ninh Thuận);...

Những năm gần đây, để mở rộng phạm vi, hoạt động kinh doanh, Hacom Holdings liên tục tăng vốn điều lệ. Tính đến tháng 5/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 4.000 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT