Vụ xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Một thợ may tự do bỗng trở thành "chủ doanh nghiệp", không ngần ngại ký hợp đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Huế nhờ ký 1 hợp đồng nhận uỷ thác đầu tư, giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng.

Chiều 22/7, phiên xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước vào phần xét hỏi sau khi công bố xong bản cáo trạng dài 156 trang.

photo-1721649183717

Tại phần xét hỏi, nhiều bị cáo khai nhận được những lãnh đạo thân cận của ông Quyết nhờ đứng tên các công ty hoặc cho mượn Chứng minh thư nhân dân để mở tài khoản chứng khoán. Những bị cáo trên đều thừa nhận tội danh bị truy tố.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh (cựu Trưởng phòng trực thuộc Công ty TNHH MTV FLC Land) cho biết cá nhân ông có quan hệ khá thân thiết với Trịnh Văn Quyết. Khi làm việc đã ký nhiều giấy tờ không có nội dung, sau này làm việc với cơ quan điều tra ông mới nhận thức "chữ ký năm xưa vô tình đẩy mình vào vòng lao lý".

Bị cáo Trịnh Văn Đại (Phó tổng giám đốc Công ty CP Faros) cũng khai nhận trong quá trình làm việc tại FLC được bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên một doanh nghiệp. Đến 2020, ông tiếp tục được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros mà không cần góp vốn. 

Với cương vị mới, ông Đại nhiều lần nhận chỉ đạo từ Huế ký tên trên các chứng từ, hợp đồng… Về mục đích ký giấy, bị cáo cho rằng do mình phụ thuộc nên phải làm phục vụ hoạt động của công ty.

photo-1721649381827

Tương tự, bị cáo Trịnh Tuân (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV FLC Land) cũng cho biết đã làm việc tại FLC từ 2009, trong vòng một năm, ông được bổ nhiệm lên Trưởng phòng vật tư thuộc FLC Land. Bị cáo Trịnh Tuân khẳng định khi làm việc tại công ty không hề góp vốn, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra lại có tên góp vốn trong công ty.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung (có chồng là họ hàng với bị cáo Trịnh Văn Quyết) cho biết bản thân là thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn tại Công ty Faros. Tuy nhiên, khi được bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ, bà Dung không đã không ngại ký hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay với Công ty CP Xây dựng FLC Faros với trị giá lên đến 360 tỷ đồng. 

Nguyễn Thị Hồng Dung cũng khai nhận đã cho bà Huế mượn chứng minh để mở các tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, bị cáo Dung khẳng định không biết, không sử dụng các tài khoản này.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Huế nhờ ký 1 hợp đồng nhận uỷ thác đầu tư, giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng, ký hợp đồng nhận uỷ thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống trước đó. 

Ngoài ra, bà Dung cũng cho Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân, ký các giấy tờ để thành lập và đứng tên người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Khu Công nghiệp Toàn Cầu để bà Huế mở 13 tài khoản chứng khoán, đứng tên cá nhân mở 12 tài khoản. Sau đó, bà Huế sử dụng 12/25 tài khoản để thực hiện thao túng thị trường đối với 4 mã HAI, GAB, ART, FLC.

Cáo trạng nêu rõ Nguyễn Thị Hồng Dung đã khai được hưởng lương 5 triệu đồng/tháng. Hiện người này đã nhận hành vi phạm tội và tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 70 triệu đồng.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, ông Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng và hoàn thiện các thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhóm thuộc cấp thân cận của ông Quyết đã nhờ một số người đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Faros. Lãnh đạo công ty ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán và cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS.

Từ đó, nhóm bị cáo thuộc Ủy ban chứng khoán nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và cán bộ thuộc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.

Việc làm này tạo điều kiện cho ông Quyết bán thành công 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Đây là hành vi khiến ông bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Với hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", cơ quan tố tụng cáo buộc cựu Chủ tịch FLC là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán. Đồng thời quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Minh Châu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT