'Vua bán lẻ' Mỹ chịu thua ở đất Trung Quốc: Chật vật cạnh tranh với hàng Made in China, trắng tay sau 28 năm ôm mộng bá chủ?

'Vua bán lẻ' Mỹ ra sao sau gần 30 năm thâm nhập thị trường Trung Quốc?

Tuần trước, Walmart thừa nhận đang tìm cách bán 3,7 tỷ USD cổ phiếu, tương đương hơn 92 nghìn tỷ đồng, của JD.com - sàn thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng của Trung Quốc. “Quyết định này cho phép chúng tôi tập trung vào hoạt động kinh doanh vững mạnh tại Trung Quốc của Walmart Trung Quốc và Sam's Club, đồng thời phân bổ vốn cho các ưu tiên khác”, Walmart tuyên bố.

Nhiều người nghi ngờ động lực chủ yếu đến từ sức mua yếu ớt của thị trường trong thời gian qua, khi hàng loạt các sàn TMĐT Trung Quốc tìm cách chuyển hướng sang Mỹ sau thành công của Temu và Shein. Người tiêu dùng cũng đang thắt chặt chi tiêu vì lạm phát vượt ngưỡng.

“Mọi người sẽ hiểu rằng Walmart có cái nhìn bi quan về thị trường tiêu dùng Trung Quốc, dù điều này chẳng phải vấn đề mới hay gây bất ngờ gì”, Giám đốc Vey Sern Ling của Union Bancaire Privee nhận định.

“Điều này chẳng phải vấn đề mới” bởi trước đây, Walmart từng bị ví von là biểu tượng cho những tập đoàn phương Tây loay hoay phát triển thị trường tại Trung Quốc. Bất chấp nỗ lực tìm ra chiến lược kinh doanh phù hợp, ‘vua bán lẻ’ Mỹ vẫn chậm chân hơn nhiều so các đối thủ tại địa phương. Đại siêu thị khổng lồ, thứ được kỳ vọng có thể biến Walmart trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Trung Quốc, phải mất rất nhiều năm để theo kịp các doanh nghiệp ‘cây nhà lá vườn’ vốn nổi tiếng với giá rẻ và giao hàng nhanh.

Năm 2019, Walmart tuyên bố đầu tư khoảng 8 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,2 tỷ USD, vào các trung tâm phân phối tại Trung Quốc trong vòng 2 thập kỷ. Động thái này chủ yếu nhằm mục đích đẩy mạnh mảng giao hàng thực phẩm và hạ nhiệt sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ địa phương và bán lẻ trực tuyến.

Thị trường bán lẻ của đất nước tỷ dân từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tham vọng bá chủ của tập đoàn Mỹ. Walmart cắt giảm quy mô hoạt động tại Anh, Brazil, Nhật Bản và nhiều thị trường đầy hứa hẹn khác, song vẫn kiên trì với Trung Quốc đại lục.

Lý giải điều này, đại diện Walmart cho biết Trung Quốc là quốc gia có các hoạt động sản xuất và nguồn cung rộng lớn. Việc vận hàng chuỗi các cửa hàng tại đây, theo đó, sẽ giúp Walmart bắt kịp xu hướng trên thị trường bán lẻ và thương mại điện tử.

'Vua bán lẻ' Mỹ chịu thua ở đất Trung Quốc: Chật vật cạnh tranh với hàng Made in China, trắng tay sau 28 năm ôm mộng bá chủ?- Ảnh 1.

Theo WSJ, khi thâm nhập thị trường bán lẻ Trung Quốc hơn 28 năm trước, Walmart đã áp dụng cách tiếp cận như với thị trường Mỹ: Nhiều chuỗi cửa hàng khổng lồ được quản lý bởi các trung tâm phân phối, giúp người tiêu dùng mua hàng chất lượng cao với giá phải chăng. Tuy nhiên, cách thức này chưa thực sự hiệu quả.

Câu chuyện của Zhang Jiawei, 31 tuổi, là một ví dụ minh chứng. Người đàn ông này cho biết khi còn nhỏ, việc cùng nhau tới Walmart dịp cuối tuần luôn nằm đầu danh sách các việc phải làm của cả gia đình. Các kệ hàng đầy màu sắc với đủ mọi thứ trên đời đã in sâu trong tâm trí của cậu bé Jiawei.

Tuy nhiên, hiện tại, khi cần mua các tạp hóa phẩm, Walmart không phải sự lựa chọn ưu tiên của gia đình Zhang Jiawei. Họ chỉ tới Siêu thị Freshippo, thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba Group, một phần vì thương hiệu này có cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng chỉ sau chưa đầy 30 phút.

“Việc tới Walmart không còn thú vị nữa. Họ hiếm khi thay đổi cách bày trí hoặc làm mới dịch vụ, sản phẩm của họ”, Zhang nói.

“Walmart không phải những gì người tiêu dùng Trung Quốc muốn”, Han Hu, chuyên gia phân tích người tiêu dùng tại Euromonitor cho biết, đồng thời khẳng định người Trung Quốc rất thích mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến.

Năm 2022, Walmart phải đóng cửa hơn 40 trên tổng số 400 đại siêu thị sau khi cân nhắc lại vai trò của chúng trong dài hạn. Trong báo cáo, hãng bán lẻ này giải thích thời hạn thuê mặt bằng đã hết, song theo các chuyên gia cùng ngành, sự gia tăng trong chi phí cũng như tốc độ phát triển của dịch vụ giao hàng nhanh tại địa phương đã khiến các cửa hàng truyền thống do Walmart dẫn đầu mất lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ ở Trung Quốc, bản thân Walmart thời gian gần đây cũng phải vật lộn trên chính quê hương mình. Việc hãng này phải đóng cửa ngày càng nhiều các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai ngành bán lẻ, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố và khu thương mại đông đúc.

“Một khi nơi đây trở thành những khu dân cư đô thị thực sự, hoạt động bán lẻ sẽ bắt đầu thay đổi”, Terry Shook, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn Shook Kelly, nói, đồng thời cho biết cách các trung tâm thành phố được hoạch định sẽ quyết định sức khỏe tài chính nền kinh tế khu vực.

Dẫu vậy, các cựu giám đốc điều hành của Walmart vẫn khẳng định tập đoàn này muốn ở lại Trung Quốc lâu dài. Jordan Berke, Giám đốc Tomorrow Retail Consulting cho biết Trung Quốc chính là nơi thử nghiệm lý tưởng đối với kế hoạch thương mại điện tử.

“Trước đó, đây là thị trường bán lẻ lớn nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng vượt xa bất kỳ đối thủ nào. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Walmart có thể tham gia và trở thành một phần trong sự phát triển vũ bão đó”, ông Berke nói.

Ngoài ra, nhận xét về quyết định thoái vốn JD.com, chuyên gia phân tích Liu Xingliang đến từ Trung tâm Dữ liệu DCCI Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm khá tích cực: “Walmart tuyên bố việc giảm tỷ lệ sở hữu là để tập trung vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là Sam's Club. Điều này cho thấy Walmart đang tối ưu hóa chiến lược kinh doanh toàn cầu, chứ không phải mất niềm tin vào JD.com”.

Được biết trong quý II/2024, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Walmart tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 4,6 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng của chuỗi cửa hàng bán buôn Sam's Club và dịch vụ kỹ thuật số. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng bởi thị trường bán lẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy giảm niềm tin tiêu dùng kéo dài, xuất phát từ khủng hoảng bất động sản và lo ngại việc làm trì trệ.

Theo: WSJ, CNBC

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT