Vừa chuyển giao sang SCIC, Vinapharm dự kiến thu lãi hơn 300 tỷ đồng
Vinapharm lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế dự kiến 334,52 tỷ đồng, tăng 153,61% so với năm trước.
Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm, MCK: DVN , UPCoM) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 30/6.
Cụ thể, trong năm 2023, Vinapharm đặt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 5.917,8 tỷ đồng, tăng 4,34% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 334,52 tỷ đồng, tăng 153,61% so với thực hiện trong năm 2022.
Vinapharm dự kiến một số công ty con và công ty liên kết sẽ chi trả cổ tức cao hơn năm trước như Sanofi Việt Nam, Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), Dược phẩm Trung ương VIDIPHA (VDP), hay Dược phẩm OPC.
Công ty sẽ nghiên cứu phương án để tăng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức cao, đồng thời tìm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp dược ngoài danh mục đơn vị thành viên để tối ưu hóa vốn, và tìm cách thoái vốn tại những đơn vị hoạt động kém hiệu quả.
Tại đại hội sắp tới, Vinapharm cũng dự trình việc hỗ trợ CTCP Dược phẩm Sanofi - synthelabo VN (SSV) thực hiện thủ tục chuyển nhượng 37 nhãn hiệu và giải thể Công ty, đồng thời mua tiếp 15% cổ phần của Sanofi Việt Nam sau khi SSV giải thể.
Về cổ tức, Công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5%.
Trong một diễn biến khác ngày 12/6, Vinapharm thông báo Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (POF) không còn là cổ đông lớn của tổng công ty. Bởi ngày 1/6, POF đã bán gần 7,7 triệu cổ phiếu DVN, qua đó giảm sở hữu tại DVN từ 5,99% xuống còn 2,75% vốn điều lệ, còn hơn 6,5 triệu cổ phiếu.
Tạm tính với mức giá cuối phiên 1/6 là 18.450 tỷ đồng, POF có thể thu về hơn 141,8 tỷ đồng từ thương vụ này. Như vậy, Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI đã 3 lần thoái vốn tại DVN. Hai lần thoái vốn trước lần lượt diễn ra vào các ngày 26/5 và ngày 31/5.
Ngoài POF, một tổ chức có liên quan khác của POF là Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI (PIF) cũng đã thoái toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu sở hữu tại DVN thông qua 3 đợt giao dịch, với lý do giảm tỷ trọng đầu tư.
Trước đó, ngày 2/6/2023, Tổng công Ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP từ Bộ Y tế sang SCIC.
Về tình hình kinh doanh quý I/2023, DVN ghi nhận doanh thu thuần tăng 16% so với hoạt động cùng kỳ, đạt mức 1.229 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng tăng khoảng 15% lên mức 1.092 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt mức 137 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt mức 46,9 tỷ đồng, tăng 83% so với thực hiện năm 2021, trong khi đó chi phí tài chính giảm từ 13,6 tỷ xuống còn 6,8 tỷ đồng. Các chi phí khác đều được tiết giảm.
Kết quả sau khi trừ hết các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng mạnh 60% so với thực hiện quý I/2022, đạt mức 111 tỷ đồng.
Dược Việt Nam có tổng vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 1.540 tỷ đồng, chiếm 65% vốn điều lệ. Công ty kinh doanh các lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh; Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược…