'Vựa lúa dưới lòng đất' của Việt Nam được Nhật Bản mạnh tay mua hàng nghìn tấn: xuất khẩu tăng khủng hơn 1.000%, Trung Quốc rốt ráo săn lùng
Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, trong đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.

Trong tháng 6/2025, hoạt động xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam ghi nhận diễn biến trái chiều. Mặc dù giảm mạnh so với tháng 5/2025, nhưng kim ngạch và sản lượng xuất khẩu vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy tín hiệu phục hồi của ngành.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu được 273,01 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, với trị giá 85,43 triệu USD. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng sắn và sản phẩm từ sắn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,26 triệu tấn, trị giá 687,2 triệu USD, tăng 63,1% về lượng và tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 303,7 USD/tấn, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm nay. Đứng sau là Philippines và Đài Loan (TQ).
Trong số các thị trường, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,7 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 2,7 triệu USD, tăng mạnh 806% về lượng và tăng 765% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 6, mức tăng lên tới 1.100% về lượng và 1.600% về trị giá.

Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan và trong 5 năm gần đây đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.
Theo Tổng cục Hải quan, nhu cầu thu mua sắn lát từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phía Nam tiếp tục yếu. Bên cạnh đó, theo quy luật hàng năm, vào mùa nắng nóng, lượng tiêu thụ tinh bột sắn thường giảm do nhu cầu sử dụng tinh bột trong chế biến thực phẩm thấp hơn.
Đặc biệt, do năm Ất Tỵ 2025 là năm nhuận (có hai tháng 6 Âm lịch), thời điểm tiêu thụ tinh bột sắn phục vụ sản xuất bánh Trung thu cũng bị lùi lại, khiến sức tiêu thụ từ ngành thực phẩm chậm hơn so với mọi năm. Sự trì trệ này không chỉ xuất phát từ yếu tố mùa vụ trong nước mà còn đến từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Những bất ổn chính trị tại Trung Đông và một số khu vực khác có thể ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có sắn lát. Điều này tạo ra yếu tố khó lường về giá cả trong các tháng tới.
Tháng 7/2025 được dự báo là giai đoạn giao dịch chậm đối với cả tinh bột sắn và sắn lát, do tác động kết hợp từ yếu tố mùa vụ, sức mua giảm tại thị trường trong và ngoài nước, cũng như tồn kho tăng tại thị trường chủ lực là Trung Quốc. Tuy nhiên, những tín hiệu tăng giá nhẹ ở một số thị trường nhỏ và khả năng biến động từ yếu tố địa chính trị toàn cầu có thể tạo ra thay đổi nhất định trong giai đoạn nửa cuối quý III/2025.
Khánh Vy