Vừa quay trở lại “đường đua” bất động sản, Tập đoàn Hoa Sen lại tìm khách để bán dự án tại Yên Bái

Tính đến hết năm 2023, Tập đoàn Hoa Sen đã rót 386 tỷ đồng vào dự án Hoa Sen Yên Bái.

Theo tài liệu họp Đại hội Cổ đông thường niên năm tài chính 2023-2024 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa công bố, HĐQT đã bàn bạc, thống nhất chủ trương xúc tiến, tìm kiếm đối tác có nhu cầu để chuyển nhượng dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái.

Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái có diện tích 0,96ha do CTCP Hoa Sen Yên Bái – công ty con của HSG làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 5/2016.

Dự án được định hướng xây dựng gồm hai thành phần. Trong đó, tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện được thực hiện trên lô đất hơn 5.585 m2 do UBND tỉnh Yên Bái cho thuê đất.

Khu vực nhà phố thương mại được thực hiện trên lô đất hơn 4.090 m2 do UBND tỉnh Yên Bái giao đất. Phần đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2017.

Ban đầu, dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018. Cập nhật tiến độ triển khai trong năm tài chính 2020, chủ đầu tư cho biết khối trung tâm thương mại đã hoàn thiện xây dựng phần thô, còn khu vực nhà phố thương mại vẫn đang hoàn thiện thiết kế, quy hoạch phân lô (100 m2/lô).

Đầu năm 2023, Tập đoàn Hoa Sen đã góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án. Theo đó, vốn điều lệ của Hoa Sen Yên Bái tăng lên mức 421 tỷ đồng, trong đó HSG sở hữu 95,962%.

Theo báo cáo tài chính quý I niên độ tài chính 2023-2024 của HSG, chi phí xây dựng tại dự án Hoa Sen Yên Bái ghi nhận gần 386 tỷ đồng.

Đã 15 năm kể từ khi lấn sân sang bất động sản, nhưng tới nay Tập đoàn Hoa Sen vẫn chưa tạo được dấu ấn trên thị trường. Cụ thể, năm 2009, doanh nghiệp cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP HCM); căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP HCM); căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP HCM); Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP HCM); góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Song, chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Doanh nghiệp chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen đang xây dựng dở dang.

Năm 2016, Hoa Sen trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn. Tuy nhiên, công ty lần lượt giải thể Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội, Hoa Sen Quy Nhơn; chỉ giữ lại Hoa Sen Yên Bái để thực hiện dự án nói trên.

Mới đây, vào 26/12/2023, Tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Lê Phước Vũ tiếp tục quay trở lại “đường đua” bất động sản. Theo đó, Tập đoàn góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn – hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty này có nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn; cho thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản.

Thanh Phong

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT