“Vua tôm” Minh Phú có lãi trở lại trong quý II, tồn kho cao kỷ lục
Thuỷ sản Minh Phú báo lãi quý II/2023 giảm mạnh gần 93% so cùng kỳ, về mức gần 11 tỷ đồng. Nếu không tính quỹ lỗ 97 tỷ đồng hồi đầu năm, đây là con số lãi thấp kỷ lục của "vua tôm" Minh Phú kể từ quý II/2016 (28 quý).
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần giảm 48% so cùng kỳ, về mức 2.350 tỷ đồng.
Kỳ này, giá vốn bán hàng giảm 43,9%, về còn 2.029,1 tỷ đồng. Do giá vốn trong kỳ giảm chậm hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 63% còn 331 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 19,9% về 14,1%.
Trong kỳ, công ty thu về 12,4 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 19% so với cùng kỳ) và 21,7 tỷ lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết (tăng hơn 4 lần cùng kỳ).
Bên cạnh đó, MPC cắt giảm mạnh chi phí bán hàng 61% về còn 181 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng giảm 61% về mức 74 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của MPC vẫn giảm mạnh gần 93% so cùng kỳ, về mức gần 11 tỷ đồng nhưng vẫn khả quan hơn mức lỗ 97 tỷ đồng của quý I/2023. Nếu không tính quỹ lỗ 97 tỷ đồng hồi đầu năm, đây là con số lãi thấp kỷ lục của "vua tôm" Minh Phú kể từ quý II/2016 (28 quý).
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của MPC giảm 48% so cùng kỳ về còn 4.472 tỷ đồng. Tuy nhiên thu không đủ bù chi khiến MPC lỗ 86 tỷ đồng sau 6 tháng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 242 tỷ đồng.
Theo giải trình của MPC, lợi nhuận kỳ này giảm do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm không có hiệu quả như Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất Giống Thủy sản Minh Phú Ninh Thuận.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 12.790 tỷ đồng và lãi sau thuế 639 tỷ; cổ tức dự kiến chi trả tỷ lệ 50 - 70%. Như vậy sau nửa năm, "vua tôm" mới thực hiện được gần 35% kế hoạch doanh thu trong khi bỏ ngỏ khả năng cán đích chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của MPC vẫn ở mức 10.432 tỷ đồng. Trong đó giá trị hàng tồn kho của Minh Phú tăng thêm 586 tỷ đồng so với đầu năm và tăng gần 800 tỷ so với cuối quý I, đạt 5.700 tỷ, cao nhất từ quý IV/2018; giá trị trích lập dự phòng gần như không đổi với 92,6 tỷ. Tồn kho của MPC cũng đang chiếm quá nửa tổng tài sản của công ty; tiền mặt giảm 67% về còn 273 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả giảm nhẹ về 4.761 tỷ trong đó 3.870 tỷ là vay nợ tài chính (chiếm tỷ lệ 81,3%). Vay nợ tài chính lớn khiến chi phí lãi vay quý 2 và bán niên của công ty tăng lần lượt 88% và 119% so với cùng kỳ.
Chứng khoán VNDirect tại báo cáo phân tích hồi đầu tháng 6 cho rằng, thời điểm hiện tại, triển vọng kinh doanh ảm đạm của nhóm thủy sản trong năm 2023 đã phần nào được phản ánh vào giá khi cổ phiếu ngành này đã giảm khoảng 40 - 60% kể từ mức đỉnh vào quý II/2022.
Do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính và chi phí sản xuất ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết trong ngành (đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra) đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn so với năm 2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với những thách thức có thể thấy được trong năm 2023 của ngành tôm, VNDirect cho rằng kế hoạch này của các doanh nghiệp là khá tham vọng.