WTO được thông qua giảm biên độ lãi suất các gói trái phiếu
Tổng CTCP TM Xây dựng trước đây là Vietracimex mới đây đã được Hội nghị người sở hữu trái phiếu thông qua việc điều chỉnh biên độ lãi suất trái phiếu từ 3,3% xuống 1,65% và 1,85%.
Ngày 16/5 mới đây, Tổng CTCP TM Xây dựng (WTO, trước đây là Vietracimex) đã công bố thông tin bất thường về việc điều chỉnh lãi suất các gói trái phiếu VIETRACIMEX_BOND2018_01, VIETRACIMEX_BOND2018_6, WTO_BOND2019_02, WTOCH2126001, WTOCH2126002, WTOCH2125004 (đợt phát hành 1), WTOCH2125004 (đợt phát hành 2), WTOCH2126005, WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008, WTOCH2126009, WTOCH2126010, WTOCH2126011 và sửa đổi một số điều kiện điều khoản trái phiếu tương ứng liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất.
Theo đó, Hội nghị người sở hữu các trái phiếu trên đã có quyết nghị thông qua việc điều chỉnh lãi suất trái phiếu áp dụng cho kỳ tính lãi với biên độ lãi suất trước khi điều chỉnh là 3,3%, biên độ lãi suất sau điều chỉnh giảm xuống mức dao động 1,65% và 1,85%.
Ngoài ra vào cuối tháng 3, công ty đã công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008, WTOCH2126009. Tổng số tiền phạt chậm lãi lên tới 6,6 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm 2022, doanh thu WTO đạt 2.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Thế nhưng, nhờ giá vốn bán hàng được tiết chế, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, giúp WTO ghi nhận lãi ròng đạt mức 194 tỷ đồng, cao gấp 12 lần so với năm 2021.
Tổng tài sản WTO tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 33.824 tỷ đồng. Bao gồm, tài sản ngắn hạn gần 11.036 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 22.789 tỷ đồng.
Ở tài sản ngắn hạn, chiếm phần đa là các khoản phải thu ngắn hạn với 10.963 tỷ đồng. Dù đang phát triển dự án Kim Chung - Di Trạch, thế nhưng hàng tồn kho của WTO chỉ ở mức hơn 5 tỷ đồng. Trong tài sản dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang có hơn 8.492 tỷ đồng. Ngoài ra, WTO cũng đã chi hơn 11.284 tỉ đồng để đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết, đầu tư vào đơn vị khác.
Tổng nợ phải trả ở mức 20.335 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn còn 15.518 tỷ đồng, bao gồm: 9.696 doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, 3.827 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác, gần 1.183 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, vay nợ tài chính còn 571 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ dài hạn của công ty lên hơn 4.817 tỷ đồng, chiếm phần đa là nợ vay tài chính dài hạn với 4.810 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu WTO tăng 43% so với đầu năm, đạt 13.489 tỷ đồng. Đáng chú ý khi luỹ kế đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận chưa phân phối của WTO gần 1.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, nợ ngắn hạn (15.518 tỷ đồng) đã vượt tài sản ngắn hạn (11.036 tỷ đồng), đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại WTO là 0,71.
Theo tiêu chí tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn con số 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.