Xây dựng Hòa Bình tiếp tục nợ 10 tháng BHXH hơn 38 tỷ đồng
Theo danh sách do Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh công bố, tính đến hết tháng 3/2024, Xây dựng Hòa Bình chậm đóng 10 tháng bảo hiểm xã hội của người lao động, tương đương hơn 38 tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 3/2024, trên địa bàn thành phố có 20.039 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên.
Trong danh sách này, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC, sàn HoSE) tiếp tục "góp mặt" với 10 tháng chậm đóng BHXH, tương đương hơn 38 tỷ đồng. So với số liệu tính đến hết tháng 1/2024, số nợ của Xây dựng Hòa Bình đã giảm khoảng 400 triệu đồng.
Trước đó, theo danh sách đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên (số liệu tính đến hết 31/12/2023), HBC dẫn đầu trong tổng số 15.289 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn TP.HCM với 9 tháng, tương ứng số tiền 39,34 tỷ đồng.
Không chỉ nợ bảo hiểm của người lao động, Xây dựng Hòa Bình vừa có năm thứ hai liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ ròng 1.111 đồng, tăng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Nguyên nhân đến từ việc doanh thu thuần và giá vốn của có sự điều chỉnh ngược chiều nhau, dẫn đến lãi gộp giảm 13% so với báo cáo tự lập. Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng đến 57%, lên 758 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dự phòng.
Tính đến cuối năm 2023, HBC có lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở tính đến cuối năm 2023 còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.
Đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 của HBC liên quan đến việc thu hồi tạm ứng, thu hồi nợ; nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Đầu tháng 4 vừa qua, Xây dựng Hòa Bình đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 với nhiều nội dung quan trọng.
HBC đặt kế hoạch kinh doanh 2024 với tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện 2023; lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, tăng đáng kể so với khoản lỗ 1.115 tỷ đồng năm trước.
Về phân phối lợi nhuận, Xây dựng Hòa Bình trình cổ đông không trả cổ tức năm 2023.
Đáng chú ý, HBC dự kiến trình cổ đông dừng phương án tăng vốn thông qua ngày 18/10/2023, đồng thời trình phương án tăng vốn mới.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu (74 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ), dự kiến triển khai trong năm 2024 đến năm 2025.
Đối với kế hoạch hoán đổi nợ, Công ty phát hành tối đa 74 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị hoán đổi là 740 tỷ đồng để hoán đổi nợ với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ và nhà sản xuất. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.