Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

XDC, FLC và 7 mã cổ phiếu khác vào diện cảnh báo trên sàn UPCoM

Hà Thị Lưu Luyến

HNX ra quyết định đưa 9 mã cổ phiếu vào diện cảnh báo, duy trì diện cảnh báo và hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM. Trong đó cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán XDC hay FLC, HAI...

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đưa một loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo, kể từ ngày 13/7 trên sàn UPCoM. Nguyên nhân chủ yếu do các công ty này chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên, chậm nộp BCTC đã soát xét...

Thứ nhất, cổ phiếu XDC của Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Tân Cảng, bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 13/7 do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Trước đó, cổ phiếu này có chuỗi tăng kỷ lục và hiện đang là cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán với giá 999.900 đồng/cổ phiếu.

Giải trình về việc cổ phiếu này tăng trần 5 phiên liên tiếp trong thời gian từ 15-26/6, Xây dựng Công trình Tân Cảng cho biết, đó là do cung cầu thị trường và quyết định của nhà đầu tư. Điều này nằm ngoài kiểm soát của công ty.

Hiện công ty đăng ký giao dịch 8.200 cổ phiếu trên UPCoM trong tổng số 9 triệu cổ phiếu. Công ty cam kết không có bất kỳ tác động nào tới thị giá cổ phiếu.

Thứ hai, cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo từ ngày 13/7 do tổ chức đăng ký giao dịch chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.

Trước đó, FLC được đưa vào diện hạn chế giao dịch ngày 22/5 do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn phải công bố thông tin.

Cổ phiếu này cũng đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24/2 do Tập đoàn FLC là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Vào ngày 6/7 vừa qua, Tập đoàn FLC đã có văn bản công bố thông tin và giải trình nguyên nhân chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. FLC cho biết, hiện các báo cáo tài chính của FLC chưa được phát hành do FLC và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm 2021.

xdc-flc-va-7-ma-co-phieu-khac-vao-dien-canh-bao-tren-san-upcom-1689132209.jpg
Nhiều mã cổ phiếu trên sàn UPCoM vào diện cảnh báo. Ảnh minh họa

Theo đó, Tập đoàn FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021 và cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022. Vì vậy, FLC chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, do đó chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Thứ ba, cổ phiếu DCS của Công ty cổ phần Tập Đoàn Đại Châu vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7/2023 theo Quyết định số 693/QĐ-SGDHN ngày 7/7/2023 do DCS chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính.

Ngoài ra, cổ phiếu này còn bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 471/QĐ-SGDHN ngày 22/5/2023 do DCS chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét và BCTC năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định, tố chức kiếm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2021, thuộc trường hợp cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 34 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết.

Thứ tư, cổ phiếu DTE của CTCP Đầu tư Năng Lượng Đại Trường Thành Holdings vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7/2023, do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Đồng thời, cổ phiếu này còn bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 484/QĐ-SGDHN ngày 22/5/2023 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

Thứ năm, cổ phiếu UDC của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào diện bị cảnh báo 13/7 do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Thứ sáu, HNX ra quyết định duy trì cảnh báo đối với cổ phiếu DIC của Công ty cổ phần Đầu tư và Thuơng mại DIC do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Thứ bảy, cổ phiếu BGM của Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế FBA cũng bị duy trì diện hạn chế giao dịch đối với do công ty không họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 02 năm tài chính gần nhất trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính; chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định; thuộc trường hợp cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo quy định tại điểm b, h khoản 1 Điều 34 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở GDCK Việt Nam (Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết).

Đồng thời, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần kể từ ngày cổ phiếu được đưa ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch. Ngoài ra, cổ phiếu này bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 36 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết.

Thứ tám, cổ phiếu DPS của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Sóc Sơn cũng bị duy trì diện hạn chế giao dịch do công ty không họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 02 năm tài chính gần nhất trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.

Đồng thời, cổ phiếu này còn hạn chế giao dịch khác do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét và BCTC năm đã được kiểm toán của các năm 2021, 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định; TCĐKGD là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định. Ngoài ra, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Thứ chín, cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I tiếp tục duy trì diện cảnh báo từ ngày 13/7 do công ty chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời gian quy định.

Trước đó, cổ phiếu này cũng bị đình chỉ giao dịch theo quyết định ngày 20/4 do công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở GDCK hoặc UBCKNN xét thấy cần hủy bỏ niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Hà Ly (t/h)