Xe điện Trung Quốc ngày càng cải tiến: Thông minh như robot, đầu tư mạnh tính năng tự hành, pin ngày càng nhỏ và sạc siêu nhanh
Xe điện Trung Quốc ngày càng bỏ xa đối thủ.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra một thế hệ xe điện mới lớn hơn, mang công nghệ tiên tiến hơn và có tính cạnh tranh cao hơn, theo The New York Times. 71 mẫu xe dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong năm 2024, trong bối cảnh đại lục chạy đua thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Chúng sẽ có mui cao hơn, nhiều sức chứa hơn. Ghế ngồi dày và thoải mái, trong khi pin ngày càng nhỏ và sạc nhanh hơn.
Cùng với ô tô plug-in hybrid, xe điện chạy pin đang ảnh hưởng tới doanh số bán các dòng xe hơi truyền thống. Trung Quốc cũng đang tiến lên phía trước với công nghệ và các quy định dành riêng cho xe tự lái - thứ vốn được nhiều người cho là trung tâm của sự cạnh tranh trong tương lai. Tại Mỹ, tính năng Autopilot của Tesla đã trở thành nhân vật chính trong một loạt các cuộc điều tra về an toàn, song ở Trung Quốc, cơ quan quản lý và công chúng có xu hướng coi công nghệ này an toàn hơn cả tài xế lái xe.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào phần mềm hỗ trợ người lái. Frank Wu, phó chủ tịch thiết kế của Jiyue cho biết, xe điện “đang trở thành một robot có bánh xe” chứ không đơn thuần chỉ là công cụ đi lại. Được biết, Jiyue là liên doanh giữa Geely, một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Baidu, một trong những công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu Trung Quốc.
Pin tốt là một trong những nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ô tô điện. Tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh 2024, ông lớn pin xe điện hàng đầu thế giới CATL đã trình làng mẫu pin Shenxing Plus EV mới vô cùng tiên tiến. Theo tờ Carscoops, loại pin mới sử dụng công nghệ vật liệu Lithium-Ion phốt phát hiện đại, kết hợp kết cấu vật liệu 3D dạng tổ ong độc quyền mà CATL phát triển riêng nhằm tăng mật độ năng lượng và lớp vỏ nguyên khối.
“Chúng tôi hy vọng thông qua những nỗ lực không ngừng để cải tiến công nghệ và giảm chi phí, Shenxing sẽ trở thành sản phẩm tiêu chuẩn cho mọi loại xe điện”, Gao Huan, CTO của mảng kinh doanh xe điện Trung Quốc của CATL, cho biết.
Nhờ mật độ năng lượng 205 Wh/g, Shenxing Plus EV có thể cung cấp phạm vi hoạt động tối đa tới 1.000 km theo quy chuẩn chu kỳ thử nghiệm của Trung Quốc. Ngoài khả năng đi xa, công nghệ sạc cực nhanh rất được giới chuyên gia kỳ vọng.
Gao Huan, giám đốc công nghệ mảng kinh doanh ô tô điện CATL, cho biết thành tựu trên đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cực cao. Pin sẽ nhỏ hơn, giải phóng nhiều không gian bên trong.
“Chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào hàng ghế sau - chúng tôi muốn làm cho nó hấp dẫn hơn”, Wang Tan, tổng giám đốc thiết kế của Xpeng Motors nói.
Trước đây, các nhà sản xuất xe điện thường ưu tiên thiết kế làm sao để ô tô nhẹ nhất có thể bởi xe nhẹ mới đi được quãng đường dài. Tuy nhiên, với sự phát triển của các dòng pin tiên tiến, xe nặng hơn vẫn có thể đi xa.
Ngoài ra, hãng xe Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các vật liệu cạnh tranh hơn, chẳng hạn như sedan Denza Z9GT của BYD có tỷ lệ hợp kim thép cao để giảm giá thành.
“Tôi đã thử lái một số thương hiệu EV của Trung Quốc, và trời ơi, châu Âu chắc chắn sẽ gặp rắc rối”, Tu Le, giám đốc điều hành của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn chuyên về ô tô Trung Quốc, nói.
Khách hàng ngày càng kén chọn. Nhiều người đang mua xe plug-in hybrid thay vì ô tô pin, dù thị trường cho thấy cả 2 loại xe này vẫn đang phát triển ở Trung Quốc. Không phải tất cả ô tô điện tại triển lãm Bắc Kinh đều to và rộng.
Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc, đã trưng bày chiếc xe điện đầu tiên của mình: SU7. SU7 nhìn từ bên ngoài gần như giống hệt Porsche Taycan, song giá lại chưa bằng ⅕, dao động trong khoảng từ 140.000 USD đến 275.000 USD.
“Ngoại trừ Tesla, dường như khó có ai tốt hơn chúng tôi”, Lei Jun, giám đốc điều hành của Xiaomi, nói.
“Liệu các công ty Trung Quốc có thể làm nên chuyện chỉ nhờ xe điện? Câu trả lời là có. Ai mà không muốn những xe giá cả phải chăng chứ?”, Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler kiêm CEO của Automobility, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Insider.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô lâu đời của phương Tây dường như tụt hậu. General Motors và Ford Motor mất phần lớn thị phần tại Trung Quốc trong 5 năm qua. Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler Trung Quốc, hiện là nhà tư vấn ngành ô tô điện ở Thượng Hải, cho biết Tesla là đối thủ toàn cầu mạnh mẽ duy nhất đến từ Mỹ trên thị trường xe điện.
“Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ”, Yang Jing, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tại Fitch cho biết. “Mỹ nhận ra Trung Quốc đang thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng. Nếu họ chỉ bán xe điện mà không xây dựng chuỗi cung ứng cho riêng mình, sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc vẫn là rất lớn”.
“Nếu họ chết, toàn bộ thị trường xe điện sẽ chết cùng”, một chuyên gia nói.
Các công ty được thành lập ở châu Âu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức ghê gớm. Xuất khẩu ô tô điện của Trung Quốc tăng nhanh khiến giới chức phải điều tra xem liệu có bất kỳ sự trợ cấp bất công nào.
Ralf Brandstätter, giám đốc điều hành của Volkswagen Trung Quốc, kêu gọi các nhà sản xuất Trung Quốc mua phụ tùng ô tô từ châu Âu và lắp ráp chúng ở đó bằng cách sử dụng công nhân châu Âu. Ông nói: “Họ phải cạnh tranh trong môi trường giống như chúng tôi”.
Theo: The New York Times, WSJ