Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Hà Nội tụt 19 bậc sau 4 năm, Quảng Ninh lần thứ 7 vững vị trí quán quân
"Chúng tôi đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Quảng Ninh, và rất vui khi thấy câu chuyện thành công của tỉnh ở góc độ tăng trưởng kinh tế cũng như những nỗ lực xanh hóa", Tổng Giám đốc AES Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Amcham Hà Nội bày tỏ.
Quảng Ninh lần thứ 7 giữ vị trí đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 9/5.
Với 71,25 điểm, địa phương này ghi dấu ấn trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, đứng đầu cả nước về chỉ số thành phần Chi phí thời gian, tức thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng. Tỉnh cũng đứng thứ hai về chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp và thứ ba về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức.
Long An lần đầu tiên xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng, với 70,94 điểm, tăng 8 bậc so với năm trước. Các doanh nghiệp đánh giá cao địa phương này trong nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, chất lượng cải cách thủ tục hành chính, và tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền.
Các vị trí tiếp theo trong TOP 5 của bảng xếp hạng PCI 2023 lần lượt là TP. Hải Phòng (70,34 điểm), Bắc Giang (69,75 điểm), Đồng Tháp (69,66 điểm). Trong đó, Đồng Tháp tiếp tục kéo dài chuỗi 16 năm liên tục nằm trong TOP 5 PCI cả nước từ năm 2008 tới nay.
"Bên cạnh việc tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp tại trung tâm hành chính công để tháo gỡ khó khăn vào Thứ Hai hàng tuần, chúng tôi còn phát huy mô hình Cafe Doanh nghiệp, mà Đồng Tháp rất nổi tiếng, tới các điểm khu công nghiệp, để lắng nghe doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhằm trực tiếp tháo gỡ", ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – chia sẻ.
Bảng xếp hạng PCI năm nay cũng lần đầu ghi nhận Hậu Giang và Phú Thọ lọt Top 10. Hậu Giang liên tục cải thiện thứ hạng từ năm 2017 tới nay, còn Phú Thọ được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo lao động.
TPHCM giữ nguyên hạng 27, với 67,19 điểm. Hà Nội tụt 8 bậc, xuống bậc 28, với 67,15 điểm. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Hà Nội tụt hạng. Trong bảng xếp hạng PCI 2020, Hà Nội xếp hạng 9.
Bên cạnh đó, VCCI cũng công bố bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Theo đó, có vị trí cao nhất trong PGI 2023 là tỉnh Quảng Ninh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, Hưng Yên và TPHCM.
Hà Nội xếp thứ 63 trong bảng xếp hạng trên.
Kết quả PCI - PGI 2023 được xây dựng dựa trên khảo sát từ gần 11.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 9.100 công ty tư nhân trong nước và 1.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi tin rằng nếu chính quyền địa phương dịch chuyển nhanh, kinh tế Việt Nam dịch chuyển nhanh. Môi trường kinh doanh của địa phương thông thoáng, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thông thoáng", ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế của VCCI – bày tỏ.
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đầu tư FDI có chất lượng cao sẽ chỉ đến những nơi, những địa phương có chất lượng môi trường đầu tư tốt nhất", ông Joseph Uddo - Tổng Giám đốc AES Việt Nam kiêm Chủ tịch Amcham tại Hà Nội – chia sẻ.
AES hiện đang đầu tư dự án nhiệt điện hơn 2 tỷ USD tại Quảng Ninh.